Ngày đăng: 22/08/2024 / Lượt xem: 12
Xem với cỡ chữ

Phát hiện 5 loài nấm mới tại Việt Nam

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện 5 loài nấm mới thuộc họ Boletaceae và Entolomataceae tại Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn Thiên nhiên của Việt Nam. TS Phạm Thị Hà Giang từ Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, phối hợp với các nhà khoa học từ Viện Thực vật Komarov (Nga), đã phát hiện và mô tả các loài nấm này.


Loài mới Entoloma peristerinum

Trong số các loài nấm mới, có một loài thuộc họ Boletaceae (Tylopilus aurantiovulpinus) và bốn loài thuộc họ Entolomataceae, chi Entoloma (gồm Entoloma cycneum, Entoloma dichroides, Entoloma peristerinum, và Entoloma tadungense). Nhóm nghiên cứu đã thu thập 69 mẫu nấm tại VQG Tà Đùng (Đắk Nông) và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai), ghi nhận tổng cộng 62 loài nấm thuộc 14 chi và hai họ Boletaceae và Entolomataceae. Trong đó, có 27 loài nấm thuộc họ Boletaceae và 35 loài thuộc họ Entolomataceae, bao gồm 31 loài thuộc chi Entoloma và 4 loài thuộc chi Clitopilus.

Các nghiên cứu cho thấy có 3 loài nấm ăn được, 5 loài có khả năng ăn được, 7 loài có độc và 7 loài có khả năng gây độc. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hình thái hiển vi, siêu hiển vi và di truyền phân tử để phân loại các loài nấm và mô tả các đặc điểm sinh học của chúng. Danh mục hiện tại bao gồm 20 loài nấm thuộc họ Boletaceae và chi Entoloma, trong đó có 12 loài là ghi nhận mới cho khu hệ nấm lớn của Việt Nam.

Theo TS Giang, nhiều loài nấm lớn có giá trị tiềm năng trong thực phẩm và y học, cung cấp các hoạt chất sinh học quan trọng. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp phân hủy các chất hữu cơ và tái tạo dinh dưỡng cho đất, hỗ trợ sự phát triển của thực vật. Tuy nhiên, các loài nấm thuộc họ Boletaceae và Entolomataceae đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do sự giảm diện tích rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới.

Kết quả nghiên cứu không chỉ làm rõ tính đa dạng và phân bố của các loài nấm trong khu vực Tây Nguyên mà còn cung cấp dữ liệu mới cho khoa học và khu hệ nấm Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã công bố 4 bài báo khoa học, trong đó có 2 bài trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và 2 bài trên tạp chí trong nước. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệt độ, độ ẩm và đặc trưng của thảm thực vật là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phân bố của các loài nấm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của chúng.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 8

Hôm nay: 460

Tháng này: 112243

Tổng lượt truy cập: 435423