Ngày đăng: 29/08/2024 / Lượt xem: 17
Xem với cỡ chữ

Cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn cho sâm Việt Nam để cạnh tranh trên thị trường

Sâm Việt Nam có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv. là một trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985. Cho đến nay, sâm Việt Nam đã được phát hiện ở rất nhiều địa phương khác nhau, ngoài Quảng Nam và Kon Tum còn có Lâm Đồng, Lai Châu… Đến hiện tại, nước ta đã thu thập và xác định được có ba thứ Panax vietnamensis, gồm: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và sâm Langbiang.


Các nhà nghiên cứu trong nước đã định tính được các thành phần quan trọng trong sâm Việt là ginsenosid Rb1, Rf, Re, Rg1, R1, R2 và định lượng được một số chất cho thấy hàm lượng saponin cao. Theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Mạnh Tuyển, trường Đại học Dược Hà Nội tại hội thảo năm ngoái, chất lượng nhân sâm Việt Nam đã được khẳng định trong “Dược điển Việt Nam” (Bộ Y tế) và được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nhân sâm TCVN 11936:2017 (Bộ KH&CN). Song, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, dù sâm Việt Nam đã phát triển thành một số sản phẩm hàng hóa nhưng thị trường mới chỉ dành cho người giàu, và nền công nhiệp còn rất nhỏ. Cây sâm Việt Nam cũng chưa được người dân nước khác biết đến.

Theo thống kê, tổng số các công trình công bố khoa học về sâm của Hàn Quốc là 15,000 bài, trong khi con số này của Việt Nam là khoảng 150 bài, tương đương với 1% so bài báo nghiên cứu về nhân sâm Hàn Quốc. Năm 2023, tổng số bài báo chúng ta xuất bản được là 13 bài, trong khi của Hàn Quốc là hơn 600 bài.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm Việt Nam đòi hỏi phải có sự thay đổi để đảm bảo kiểm soát được chính xác hàm lượng hoạt chất, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Và muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng về sâm rõ ràng và đáng tin cậy.

Tại hội thảo về sâm do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) tổ chức cách đây hơn một năm, câu chuyện về việc làm thế nào để Việt Nam có thể học tập Hàn Quốc, phát triển thành công cây sâm trở thành sản phẩm quốc gia đã được bàn luận sôi nổi.

Tại hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) tổ chức vào cuối tháng sáu vừa qua, PGS.TS. Phương Thiện Thương - Phó Viện trưởng VKIST chia sẻ rằng, năm 2023, nền công nghiệp sâm của Hàn Quốc đã có giá trị 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, toàn bộ giá trị kinh tế về dược liệu của Việt Nam chỉ khoảng 500 triệu USD, tương đương với khoảng 1/5 giá trị của riêng cây sâm Hàn Quốc.

Sự chênh lệch này không những cho thấy một thực tế là tiềm năng của cây sâm Việt Nam vẫn chưa được khai thác hiệu quả mà còn cho thấy nhu cầu bức thiết phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm để có thể nâng cao chất lượng và giá trị của cây sâm Việt Nam trên thị trường.

Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu về sâm của Hàn Quốc, có ba hạn chế về tình trạng sâm của Việt Nam đó là: việc nghiên cứu khoa học hạn chế dẫn đến lợi ích của sâm Việt Nam chưa được biết đến nhiều; việc trồng trọt và doanh thu cũng còn rất hạn chế; đồng thời các loài sâm của Việt Nam đang ở tình trạng nguy cấp. Những tồn tại này đã được thể hiện rõ qua thực tế.

Theo TS. Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (Bộ Y tế), giá sâm Ngọc Linh hiện nay khoảng 200-300 triệu/kg, trong khi đó giá sâm Lai Châu khoảng 80-100 triệu/kg. Tam thất hoang (sâm vũ điệp) giống sâm Ngọc Linh về hình thái, còn sâm Lai Châu lại rất giống sâm Ngọc Linh về hình thái và thành phần hóa học. Bởi vậy, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường trôi nổi và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm này.

 “Hiện nay để phục vụ cho công tác kiểm soát chất lượng thì rất cần có sự hiệu chuẩn cũng như các tiêu chuẩn để phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng. Nếu các đơn vị nghiên cứu phối hợp xây dựng tiêu chuẩn cho sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu thì việc phân biệt chất lượng sâm trên thị trường sẽ thuận lợi hơn”.

PGS.TS Phương Thiện Thương cho biết, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu quy định về nguyên liệu nhân sâm và sâm Việt Nam để dùng làm thuốc, một lĩnh vực hẹp hơn, còn những sản phẩm khác như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống… thì lại chưa có tiêu chuẩn cho nó. Muốn sâm Việt Nam vươn ra thế giới thì phải làm sao để nó có trong dược điển của các nước chứ không chỉ trong dược điển Việt Nam như hiện tại.

Những thực tế này đã khiến cho ngành sâm của Việt Nam vẫn gặp nhiều trắc trở trong những năm vừa qua. Do vậy, các chuyên gia về sâm của Hàn Quốc chia sẻ rằng, Việt Nam cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam vẫn chưa phát triển tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích và số lượng trang trại và diện tích canh tác vẫn còn nhỏ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học về sâm Việt Nam hiện nay còn hạn chế, do đó cần tăng cường nghiên cứu hơn nữa bởi bằng chứng khoa học của chất lượng và lợi ích của sâm Việt Nam là rất cần thiết cho việc tạo ra nhu cầu sử dụng. Tiếp đến, cần phải nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm soát chất lượng sâm. Một điểm quan trọng khác nữa là Việt Nam cần phải chú trọng bảo vệ nguồn gene do hiện nay sâm Việt Nam chỉ sống ở các vùng núi cao, mỗi loại sâm đã tiến hóa theo một hướng hơi khác nhau khi bị cô lập, cũng như rất đa dạng về mặt di truyền. Do vậy mà, sự hợp tác giữa nhà khoa học và nông dân dưới sự hỗ trợ của chính phủ là rất cần thiết cho sự phát triển của sâm Việt Nam. Cuối cùng, một điều quan trọng là, phải có tiêu chuẩn dành cho sâm.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc, theo TS. Pyo Mi Kyung, Hàn Quốc có riêng Luật Công nghiệp nhân sâm, trong đó có quy định tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm, tiêu chuẩn và quy cách sản phẩm, thực phẩm chức năng từ sâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng... Ngoài những quy định trong luật, quốc gia này còn có tiêu chuẩn địa phương, chẳng hạn như vùng Geumsan đưa ra tiêu chuẩn riêng và thậm chí còn cụ thể hơn, cao hơn, đạt được khó hơn so với tiêu chuẩn quốc gia. Dẫn một ví dụ về tiêu chuẩn sản phẩm chứng nhận chất lượng của quận Geum San, TS. Pyo Mi Kyung cho biết, tiêu chuẩn này phân loại đồ uống, thực phẩm ngâm, các loại bánh kẹo, thực phẩm chức năng, các loại nhân sâm. Các loại hình thực phẩm có trong tiêu chuẩn là đồ uống nhân sâm/hồng sâm, đồ uống tổng hợp, trà dạng lỏng, trà dạng rắn, trà thảo mộc, thực phẩm ngâm đường, kẹo, bánh, bánh mỳ... Các sản phẩm sẽ được kiểm tra theo các hạng mục như màu nhân tạo, số lượng vi khuẩn, nhóm vi khuẩn E.coli, chất bảo quản, chì, Cadmium,...

Dù chưa có được các tiêu chuẩn cụ thể như vậy, song hiện nay, một đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam cũng đã bước đầu có các nghiên cứu để xây dựng tiêu chuẩn cho sâm Lai Châu. TS. Phạm Hà Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu sâm và Dược liệu Việt Nam (nhận quyết định thành lập 11/2023) cho biết, đơn vị này đã tiến hành các nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn giải phẫu sâm Lai Châu, nghiên cứu đa dạng di truyền các mẫu giống sâm Lai Châu, đa dạng thành phần hóa học các giống sâm Lai Châu cũng như hàm lượng saponins trong các bộ phận khác nhau của loài Panax vietnamensis, nghiên cứu tiêu chuẩn hóa lá sâm Lai Châu và định lượng MR2 trong loài sâm này.

Một chỉ dấu cho thấy những tiềm năng của loại sâm Việt Nam chính là saponin trong sâm Việt Nam cao hơn rất nhiều so với quy định trong dược điển

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 11

Hôm nay: 3674

Tháng này: 45354

Tổng lượt truy cập: 606005