Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, chỉ khoảng 1 - 2% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).
Những khó khăn chính đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ bao gồm thiếu quỹ đất để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn; thiếu vốn để đầu tư; thiếu gắn bó và hỗ trợ của các viện, trường, cơ quan nghiên cứu; thiếu thông tin và nguồn cung cấp công nghệ; thiếu lực lượng chuyên gia tư vấn có năng lực; bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ yếu kém; cơ sở hạ tầng thiếu thốn nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng…Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, rất cần phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với các hợp tác xã và toàn thể nông dân. Cụ thể là: phải hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực; phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa; xây dựng cơ chế phối hợp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ để hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp “đầu tàu” chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường; áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tối đa các doanh nghiệp “đầu đàn” áp dụng công nghệ cao trở thành hạt nhân phát triển, tạo tác động lan tỏa cho toàn hệ sinh thái sản xuất kinh doanh; nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học; đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ, hình thành quan hệ phục vụ khách hàng với đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật, gắn hiệu quả phục vụ người sản xuất với lợi ích thiết thân của họ cũng như đổi mới cung cách đào tạo cán bộ kỹ thuật để hình thành đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, phục vụ mọi đối tượng sản xuất kinh doanh nông nghiệp và đổi mới căn bản thủ tục hình thành, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư.
Như vậy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần có sự tham gia sâu rộng của các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn dẫn dắt trong nông nghiệp bởi họ là người đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực do đó cần có những bước phát triển, những mô hình, kiến thức theo hướng chia sẻ đem ứng dụng vào Việt Nam để thúc đẩy nông nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững.
Nguồn tin: