Ngày đăng: 12/05/2025 08:55:12 / Lượt xem: 4
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao theo hướng VietGAP tại Hà Tĩnh

Hà Tĩnh, tỉnh Duyên hải Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên gần 600.000 ha, trong đó 80,37% là đất nông nghiệp. Nghị quyết 08 của tỉnh giai đoạn 2009-2020 định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và giống mới. Tỉnh có tiềm năng lớn với 56.636 ha đất trồng cây lâu năm và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2015, Hà Tĩnh có khoảng 10.000 ha cây ăn quả, tập trung ở bưởi Phúc Trạch, cam Bù Hương Sơn, cam chanh, táo, ổi, na, xoài... Nhiều hộ đã đầu tư trồng cây ăn quả ở vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Các chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả chủ yếu tập trung ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, nơi có các cơ sở sản xuất giống cam, bưởi chất lượng cao, giúp diện tích và chất lượng cây ăn quả phát triển mạnh, nhiều hộ thu nhập cao. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh ưu tiên phát triển cây ăn quả hàng hóa, phấn đấu đến năm 2020 có 6.250 ha cam, bưởi chất lượng cao và phát triển các loại cây ăn quả phù hợp khác. Tuy nhiên, Thạch Hà và Can Lộc, dù có lợi thế, nhưng chưa được đầu tư đúng mức về giống và kỹ thuật. Nghề trồng cây ăn quả ở đây còn tự phát và gặp nhiều khó khăn: thiếu nguồn giống chất lượng tại chỗ, phải mua giống trôi nổi, dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, thiếu chương trình hỗ trợ và tập huấn như ở các huyện khác. Công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường còn yếu, cơ cấu giống cây ăn quả chưa đa dạng, chưa khai thác hết tiềm năng địa phương.

Để giải quyết những khó khăn này, ThS. Dương Thị Ngân cùng các cộng sự tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao theo hướng VietGAP tại Hà Tĩnh”. Mục tiêu là chủ động nguồn cung cấp giống chất lượng cao tại chỗ, xây dựng mô hình điểm về kỹ thuật thâm canh, tạo việc làm và thu nhập, khai thác hiệu quả đất đai và đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả của vùng, đặc biệt là cung cấp thêm giống cam chín sớm CS1, táo 05 và ổi OÐLI cũng như chuyển giao và tiếp nhận thành công các quy trình công nghệ sản xuất cây giống; trồng thâm canh, thu hoạch các cây ăn quả: cam CS1, táo 05, ổi OĐLI 3 nhằm chủ động cây giống có chất lượng cao và kỹ thuật thâm canh phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả nghề trồng cây ăn quả, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu đề ra, các nội dung thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích. Cụ thể:

1. Tiếp nhận và làm chủ quy trình công nghệ:

Đơn vị chủ trì dự án đã hoàn thành việc chuyển giao và tiếp nhận thành công 06 quy trình công nghệ quan trọng, bao gồm kỹ thuật nhân giống và thâm canh cho ba loại cây ăn quả chủ lực: ổi OĐL1, táo 05 và cam chín sớm CS1. Cụ thể, các quy trình đã được tiếp nhận và làm chủ bao gồm:

- Quy trình kỹ thuật nhân giống cam chín sớm CS1.

- Quy trình kỹ thuật thâm canh giống cam chín sớm CS1.

- Quy trình kỹ thuật nhân giống táo bằng phương pháp ghép.

- Quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh giống táo 05.

- Quy trình kỹ thuật nhân giống ổi bằng phương pháp ghép đoạn cành.

- Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi OĐL1.

Việc nắm vững các quy trình này là nền tảng quan trọng cho các hoạt động tiếp theo của dự án, đặc biệt là trong việc xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng thâm canh các loại cây ăn quả chất lượng cao tại địa phương.

2. Xây dựng mô hình sản xuất giống:

Vườn cây mẹ (0,5ha): 150 cây ổi OĐL1, 100 cây táo 05, 150 cây cam CS1, sinh trưởng tốt, đảm bảo nguồn mắt ghép.

Mô hình nhân giống: Sản xuất 66.625 cây giống, trong đó 47.952 cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn (ổi: 16.728 cây, táo: 8.711 cây, cam: 22.513 cây), tỷ lệ đạt trung bình 74,78%. Cây giống đạt tiêu chuẩn về chiều dài và đường kính cành ghép sau 3 tháng.

3. Xây dựng mô hình trồng thâm canh VietGAP (15ha):

Năng suất năm thứ 3 (5ha/loại): Ổi OĐL1: 31,6 - 32,6 tấn/ha; Táo 05: 17,5 - 19 tấn/ha; Cam CS1: 7 - 8 tấn/ha.

Tổng sản lượng: Ổi OĐL1: 179 tấn; Táo 05: 114,2 tấn; Cam CS1: 7,1 tấn.

4. Đào tạo và tập huấn:

Đã đào tạo 9 cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho 200 hộ dân về quy trình nhân giống, trồng và thâm canh ổi OĐL1, táo 05 và cam CS1.

5. Phát triển thương hiệu và thị trường:

Đã thiết kế logo, tem nhãn cho sản phẩm ổi, táo, cam. 15ha mô hình trồng đã được chứng nhận VietGAP.

6. Liên kết sản xuất và tiêu thụ:

Dự án hỗ trợ HTX nông nghiệp Gia Phúc bổ sung lĩnh vực kinh doanh cây ăn quả, trở thành đầu mối thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình và sản phẩm địa phương.

Nhóm dự án đã xây dựng thành công mô hình nhân giống chủ động, cung cấp giống chất lượng và kỹ thuật cho người dân, huy động sự tham gia tích cực của chính quyền và người dân, nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án.  Đề nghị người dân, chính quyền và các bên liên quan có kế hoạch duy trì, phát huy hiệu quả mô hình và có chính sách hỗ trợ phát triển nghề trồng cây ăn quả. Tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình, chú trọng áp dụng kỹ thuật đã chuyển giao và tạo điều kiện cho các hộ khác tham quan, học tập kinh nghiệm.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20808/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Bài viết cùng chuyên mục
Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...