Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung nói chung và gạch bê tông nói riêng đang được áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, đồng thời tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu giá rẻ và có sẵn tại địa phương. Theo xu hướng đó, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ máy công nghiệp thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và chế tạo máy ép gạch không nung cho năng suất 100.000 viên/ca, có giá thành thấp hơn 20 - 40% máy nhập ngoại tương đương.
Máy ép gạch không nung
PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Hiện nay công nghệ ép rung đang chiếm đến 90% trong các loại công nghệ sản xuất gạch bê tông tại Việt Nam và trên thế giới. Các máy sản xuất gạch theo nguyên lý rung trong nước, chủ yếu được cung cấp từ các cơ sở chế tạo máy sao chép công nghệ nước ngoài nhập về (phần lớn sao chép máy xuất xứ từ Trung Quốc). Các dây chuyền này còn nhiều hạn chế như hoạt động không ổn định, chất lượng sản phẩm không đồng đều và còn phụ thuộc nhiều vào linh kiện nước ngoài. Các dây chuyền nhập khẩu có nhược điểm là chi phí đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng tương đối cao, công suất chỉ phù hợp với các nhà máy sản xuất lớn.
Máy ép gạch không nung do nhóm nghiên cứu chế tạo,bao gồm những bộ phận như khung máy, xe cấp liệu, động cơ xới liệu, cụm nâng hạ, cụm máy ép chính, hệ thống điều khiển PLC cho máy…Sau nhiều giai đoạn thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định được chế độ vận hành của máy cho loại gạch 4 lỗ (kích thước 8x8x18cm) với các thông số như: cường độ ép 10Mpa, tần số rung 40-45Hz, thời gian tạo hình 25-31 giây. Năng suất thiết kế 100.000 viên gạch/ca (8 giờ), năng suất thực tế 92%. Tỷ lệ hư hỏng nhỏ ở mức cho phép là dưới 3%. Sản phẩm đạt chất lượng theo TCVN 6477:2016, được Công ty Cổ phần giám định và khử trùng FCC chứng nhận.
Kết quả vận hành thử nghiệm thiết bị tại Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai, cho thấy việc lắp đặt máy khá linh hoạt do được thiết kế ở dạng mô-đun, thuận tiện ghép nối với một số dây chuyền cấp liệu hiện có, mà không cần triển khai một dây chuyền sản xuất mới. Máy vận hành ổn định theo năng suất thiết kế.
Theo nhóm tác giả, do được sản xuất trong nước, máy có giá thành rẻ hơn máy nhập ngoại từ Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt ở mức từ 20 – 25% và 35 – 40%. Hơn nữa, việc bảo trì, bảo dưỡng cũng rẻ, nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn.
Ngoài chế tạo máy ép gạch không nung, nhóm nghiên cứu đã thiết kế thêm các máy phụ trợ như băng tải cấp pallet, ra gạch, máy nâng hạ pallet…kết nối với hệ thống máy trộn tạo nguyên liệu cấp phối, nhằm tự động hóa quá trình sản xuất.
Nguồn tin: