Đây là công nghệ của Israel, có khả năng tạo ra một dòng sông thu nhỏ trong ao với đầy đủ các yếu tố của một dòng sông lớn ngoài tự nhiên như bọt khí, sóng nước.
Cá tầm được phát triển nuôi tại Lâm Đồng trong hơn 15 năm qua. Hiện nay, cá tầm thương phẩm của Lâm Đồng chiếm trên 60% sản lượng cá tầm của cả nước.
Cá tầm tại Lâm Đồng chủ yếu được nuôi theo ba hình thức: nuôi nước chảy trong bể xi măng, nuôi lồng trên hồ chứa, và nuôi nước chảy trong ao lót bạt.
Hiện nay, ngoài một số hồ chứa còn dư địa phát triển hình thức nuôi lồng, phần lớn các dòng suối đáp ứng được các yêu cầu như: nguồn nước trong sạch, nhiệt độ phù hợp, tiện đường giao thông... đều đã được doanh nghiệp, người dân tận dụng để nuôi đối tượng có giá trị kinh tế cao này. Trong khi đó, nhu cầu trong nước đối với cá tầm mới được đáp ứng khoảng 40 – 50%, còn lại phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Là loài cá ăn đáy, cá tầm đã hình thành tập tính đào bới nền đáy để tìm kiếm thức ăn (các loại giun, ốc...). Đặc điểm này khiến cho việc nuôi cá tầm trong ao đất với mật độ cao không thể thực hiện được, do sau một thời gian ngắn thả nuôi, cá đào bới đáy ao, làm đục nước, dẫn đến cá chết hàng loạt. Trong khi đó, việc bê tông hóa toàn bộ ao nuôi lại quá tốn kém, chưa kể hàm lượng ôxy trong ao nước tĩnh thấp, chỉ nuôi được mật độ thấp nên không hiệu quả.
Để khắc phục những nhược điểm trên và khai thác hết tiềm năng nuôi cá nước lạnh, Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ “sông trong ao” của Israel để xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm thích hợp với điều kiện tỉnh Lâm Đồng”. Đề tài do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung chủ trì thực hiện.
Công nghệ “sông trong ao” của Israel tạo ra một dòng sông thu nhỏ trong ao, có đầy đủ các yếu tố của một dòng sông lớn ngoài tự nhiên như bọt khí, sóng nước.
Hệ thống thiết bị công nghệ “sông trong ao” gồm máy thổi khí vận hành liên tục; máy quạt nước để tăng cường hàm lượng ôxy và dòng chảy qua ao nuôi; hệ thống thu gom và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống nuôi; máy phát điện dự phòng luôn sẵn sàng vận hành cho trường hợp mất điện. Hệ thống sục khí cũng tạo ra dòng chảy qua mương nuôi, tạo môi trường tương tự như công nghệ nuôi bể nước chảy tự nhiên.
Nhóm đã cải tạo ba ao nuôi, diện tích 2.000 m2/ao đạt yêu cầu để nuôi cá tầm theo công nghệ “sông trong ao”, tại huyện Đức Trọng.
Trong ao nuôi bố trí một mương nuôi, diện tích 125 m2, thể tích 250 m3, trong đó diện tích phần nuôi cá là 110 m2, thể tích nước 165 m3 với ba mật độ nuôi ở ba ao khác nhau: 10 con/m2, 13 con/m2, 16 con/m2. Mương nuôi cá được lát nền đáy bằng bê tông, tường gạch trát xi măng.
Hệ thống thiết bị công nghệ được vận hành theo đúng quy trình đã xây dựng và áp dụng gồm: máy thổi khí vận hành 24 giờ/ngày và trong toàn bộ chu kỳ nuôi; máy quạt nước công suất 0,75KW, vận hành theo chu kỳ 45 phút chạy, 15 phút dừng; hệ thống thu gom và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống nuôi 3-5 lần/ngày, số lần vận hành tăng dần từ đầu đến cuối chu kỳ nuôi. Ngoài ra, mắt lưới cổng chắn cá được vệ sinh 1-2 lần/tuần; rác phát sinh trôi nổi trên bề mặt nước ao được vớt bỏ hằng ngày; máy phát điện dự phòng 25KVA luôn được kiểm tra chạy thử máy 1 lần/tuần.
Trong quá trình nuôi, nhóm kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn của cá hằng ngày để điều chỉnh lượng cho phù hợp; cho ăn bổ sung thêm vitamin C, khoáng tổng hợp, men tiêu hóa, dầu gan mực theo định kỳ để tăng cường sức khỏe cho cá nuôi. Nhóm cũng theo dõi thường xuyên sự sinh trưởng của cá, số lượng cá chết, đánh giá nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh kịp thời.
Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng 4-6 lần bón chế phẩm sinh học cho ao để duy trì chất lượng nước; cấp nước bổ sung cho ao 1-2 ngày/lần, tương ứng với lượng nước bị hao hụt do quá trình bốc hơi và thẩm thấu; thay nước tầng đáy cho ao 1-2 lần/tháng, lượng nước thay 50%/lần.
Sau 12 tháng nuôi, đạt tổng sản lượng 7.700 kg, khối lượng cá trung bình 2,2 kg/con, tỷ lệ sống trung bình 82%, năng suất trung bình 2,6 tấn/mương, hệ số tiêu tốn thức ăn trung bình 1,7, tổng lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng (cao hơn gần ba lần so với nuôi cá trắm). Cá nuôi ở mật độ càng thấp thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh, cụ thể, ở mật độ 10 con/m2 có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (trung bình 2.687 gr/con), ở mật độ 13 con/m2 (2.367 gr/con) và thấp nhất ở mật độ 16 con/m2 (2.063 gr/con).
Bên cạnh đó, nhóm đã xây dựng được quy trình thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống “sông trong ao” và quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm theo công nghệ này.
Theo nhóm tác giả, kỹ thuật nuôi cá tầm “sông trong ao” là một giải pháp công nghệ mới, giúp mở rộng vùng nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là đối với những vùng có điều kiện nhiệt độ phù hợp với cá tầm nhưng hạn chế về nguồn nước và không thể áp dụng các phương pháp nuôi cá tầm đã có hiện nay. Những vùng đã và đang nuôi cá truyền thống (trắm, rô phi, chép,…), nhưng có điều kiện nhiệt độ phù hợp để nuôi cá tầm, cũng có thể chuyển đổi đối tượng nuôi theo công nghệ này để nâng cao giá trị kinh tế.
Mô hình nuôi cá tầm theo công nghệ “sông trong ao” có khả năng nhân rộng tại hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông, TP Bảo Lộc, và TP Đà Lạt.
Nguồn tin:
https://khoahocphattrien.vn/ |