Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam từ những năm 1970 - 1980 có thể được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Những điểm mạnh của mô hình kinh tế VAC là nó cũng tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất; đây là một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, hạn chế chất thải ra môi trường, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.
.jpg)
Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Vì vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Từ thực tế trên, TS. Phan Văn Ngọc tại Trung tâm nghiên cứu & phát triển cộng đồng nông thôn đã phối hợp với các cộng sự thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC (Vườn Ao Chuồng) theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng được mô hình vườn mẫu phát triển kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng) theo hướng nông nghiệp hữu cơ được quy hoạch theo thiết kế 3D ở một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Sau khi tiến hành điều tra thực trạng về tình hình sản xuất VAC, phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, giảm thiểu chất thải các loại mô hình VAC gắn với bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm tại 3 huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), Yên Thế (Bắc Giang) và Yên Thủy (Hòa Bình), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
- Xây dựng thành công 09 mô hình Vườn mẫu tại 03 xã (mỗi xã 03 mô hình), bao gồm xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tất cả 09 mô hình vườn mẫu đều có diện tích trên 2.000m2, các hộ làm vườn mẫu đều có thu nhập cao hơn sản xuất đại trà 20%. Có liên kết với các đại lý, đơn vị thu mua sản phẩm tại địa phương để tiến hành tiêu thụ 60 - 70% sản phẩm. Các mô hình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của 3 tỉnh kiểm tra, đánh giá và ra văn bản tiếp nhận, công nhận là mô hình thí điểm, phù hợp với kế hoạch phát triển của địa phương và có khả năng nhân rộng tại địa phương.
- Xây dựng thành công 09 mô hình nuôi gà đồi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ tại 3 tỉnh dự án (3 mô hình/tỉnh). Các mô hình đều có quy mô diện tích vườn trên 2.000 m2 đang trồng cây ăn quả và có diện tích chuồng trại đủ điều kiện nuôi tối thiểu 1.000 con gà thịt. Các mô hình đã áp dụng đầy đủ các quy trình nuôi gà thả đồi theo hướng hữu cơ, và có hiệu quả kinh tế (tính theo chi phí sản xuất) tăng trên 10% so với phương thức nuôi công nghiệp đang áp dụng phổ biến trên địa bàn. Các mô hình này đã được Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra, đánh giá và ra văn bản tiếp nhận, coi đây là mô hình để thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm giúp nhân rộng tại địa phƣơng.
- Xây dựng được (i) 3 mô hình liên kết dưới hình thức tổ hợp tác để kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc theo mã định danh của sản phẩm với các hoạt động và kết quả cụ thể như sau: 1 mô hình liên kết doanh nghiệp - tổ hợp tác tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái nguyên; 1 mô hình liên kết doanh nghiệp - tổ hợp tác tại xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; và 1 mô hình liên kết doanh nghiệp - tổ nhóm hợp tác tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Binh, tấ cả 3 Tổ hợp tác đều đạt và vượt tiêu chí đặt hàng về số lượng thành viên, quy mô diện tích và khối lượng sản phẩm tiêu thụ; (ii) Đã xây dựng thành công Quy chế hoạt động tổ hợp tác. (iii) Tổ chức thành công cuộc găp giữa với một số Công ty TNHH thực phẩm và đại diện các Tổ hợp tác cùng các đại lý tiêu thụ để thống nhất các tiêu chuẩn sản phẩm và cơ chế phối hợp thu mua sản phẩm, và cam kết tiêu thụ 60 - 70% sản phẩm của các tổ hợp tác; (iv) Hỗ trợ thiết kế và in 500 tờ rơi/mỗi tổ hợp tác giới thiệu về sản phẩm chủ lực của địa phương.
Kết quả đề tài là một trong những nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn trong việc triển khai mở rộng mô hình tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời đóng góp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng này.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20633/2021) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Nguồn tin: