Từ giữa năm 2018, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp liên hợp quốc (FAO), đã có thông báo về loài sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ có tên tiếng anh là Fall Armyworm (viết tắt là FAW), tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea) đang lây lan nhanh, đã xâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới.
Sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loài thực vật, bao gồm ngô, lúa, lúa miến, kê, mía, cây rau, bông và nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên ký chủ thích hợp nhất của chúng vẫn là cây ngô và chỉ giai đoạn sâu non gây hại cho cây trồng, trưởng thành của sâu keo mùa thu có thể di trú xa hàng trăm km nhờ gió.
Trước thông báo của FAO, Cục bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra đồng loạt trên toàn quốc, đồng thời thu mẫu sâu nghi ngờ sâu keo mùa thu để giám định. Kết quả trả lời giám định ngày 14/4/2019 của CABI và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chính thức xác nhận sâu keo mùa thu có tên tiếng anh là Fall Armyworm (viết tắt là FAW), tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea) đã xuất hiện và đang gây hại trên ngô tại một số tỉnh của Việt Nam.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc và báo cáo của chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trong vùng, hiện nay sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên ngô tại 25/25 tỉnh phía Bắc với diện tích gây hại trên 12.400 ha. Trong đó diện tích ngô bị sâu keo gây hại nặng 2.500 ha, trung bình là 3.500 ha và nhẹ là 6.420 ha.
Đây là loài sâu hại mới xâm nhập vào nước ta do đó hiện nay chúng ta chỉ có các thông tin về loài dịch hại này dựa trên các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Trước tình hình trên, để phục vụ cho công tác quản lý và phòng trừ sâu keo mùa thu đạt hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất, ThS. Dương Thị Ngà cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc trực thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề tài: “Điều tra diễn biến phát sinh gây hại và đề xuất biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) tại một số tỉnh phía Bắc” với mục tiêu xác định đặc điểm sinh học, sinh thái và bổ sung một số biện pháp vào quy trình phòng chống sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên ngô trong năm 2020-2021 tại thành phố Sơn La- Sơn La là có mật độ và tỷ lệ hại cao nhất sau đó đến Tam Nông - Phú Thọ và thành phố Hưng Yên- Hưng Yên có khoảng 6-7 cao điểm gây hại trong đó cao điểm gây hại cao nhất là vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8 sau đó đến cao điểm vào giữa tháng hai và đầu tháng 3. Năm 2021 có mật độ sâu là tỷ lệ cây bị hại đều thấp hơn so với năm 2020, chỉ có tỉnh Hưng Yên năm 2021 ở cao điểm 1 cuối tháng 2 đầu tháng 3 thì có mật độ sâu và tỷ lệ hại cao hơn năm 2020.
- Trong 3 vụ ngô trong hai năm 2020-2021 cho thấy: Sâu keo mùa thu gây hại của sâu keo mùa thu trên ngô Hè thu cao hơn trên ngô Xuân và ngô Đông.
- Mức độ gây hại của sâu keo mùa thu ở cả 3 vụ trên giống ngô thức ăn gia súc cao hơn trên giống ngô nếp và ngô ngọt.
Trên đồng ruộng trứng và sâu non sâu keo mùa thu thường bị một số loài thiên địch ký sinh như: ong ký sinh trứng sâu keo mùa thu (Telenomus remus.sp), ong ký sinh trứng - sâu non (Microplitis manilae Ashmead, Chelonus sp.), nấm xanh Metarhizium anisopilae, nấm trắng Beauveria bassiana ký sinh ở pha sâu non và nhộng, Vi khuẩn Bacillus thuringiensis ký sinh sâu non. Trong đó tỷ lệ ký sinh trên giai đoạn trứng cao hơn trên giai đoạn sâu non, tỷ lệ ổ trứng bị ký sinh trung bình là 17,8%; tỷ lệ sâu non bị ký sinh là 6,5%.
- Trong 18 giống ngô thí nghiệm có 3 giống có khả năng chống chịu được với sâu keo mùa thu là 6919S, 9955S, 6101 BGT.
- Sử dụng biện pháp xử lý hạt giống: bằng thuốc Fortenza duo 480 FS với liều lượng 6,0 ml/kg hạt có hiệu quả cao trong quản lý sâu keo mùa thu ở giai đoạn đầu (15-16 ngày sau khi gieo).
- Thuốc có hoạt chất Spinetoram liều lượng 05 lít/ha là có hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu cao nhất và kéo dài 20-25 ngày, sau đó đến thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate + Indoxacarb.
- Khi sâu keo mùa thu xuất hiện trên đồng ruộng từ 4 con/ m2 trở lên thì tiến hành phun thuốc 1-2 lần ở giai đoạn 3-7 lá. Như vậy cũng đã tiết kiệm được 2-3 lần phun thuốc so với nông dân mà vẫn đảm bảo năng suất ngô.
- Mật độ sâu keo mùa thu ngoài đồng ruộng từ 4 con/ m2 trở lên với 15% số cây bị hại trở lên thì tiến hành phun thuốc để đảm bảo năng suất của ngô.
- Trước khi gieo 1-2 ngày nên đặt bẫy bả chua ngọt với mật độ 100 bẫy/ha để thu bắt trưởng thành sâu keo mùa thu làm hạn chế sự gây hại của sâu ngay từ đầu vụ và giảm được 1-2 lần phun thuốc so với ruộng không được đặt bẫy bả chua ngọt.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20311/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn tin: