Tại Việt Nam dâu tây là cây ăn quả đặc thù, đặc sản của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua được phát triển huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, là cây trồng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, có dự địa phát triển còn rất lớn, nhất là tại các vùng Cao Nguyên, Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thì diện tích dâu tây sản xuất tại Lâm Đồng năm 2019 khoảng 170 ha, tập trung chủ yếu tại Thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, trong đó khoảng 70% diện tích dâu tây được canh tác ngoài đồng với giống sản xuất chủ yếu là giống Mỹ Đá (giống nhập nội) và giống Langbiang 2 (giống do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa chọn tạo) và một số giống khác do người dân tự để giống, diện tích dâu tây sản xuất trong nhà màng theo hướng công nghệ cao chiếm khoảng 30% và sử dụng chủ yếu là giống New Zealand, một số giống do người dân, doanh nghiệp nhập nội qua con đường tiểu ngạch.
.jpg)
Một trong những khó khăn để mở rộng diện tích dâu tây trong nước hiện nay là thiếu giống dâu tây phù hợp cho sản xuất công nghệ cao trong điều kiện nhà màng/nhà lưới. Đa số các giống trong sản xuất hiện nay chủ yếu được nhập nội bằng con đường không chính thống từ Mỹ, Pháp, Nhật, Đài Loan…. Các giống trồng ngoài đồng với năng suất trung bình 14-15 tấn/ha, thích ứng khá tốt với điều kiện sản xuất, độ cứng quả khá phù với điều kiện thu hái, bảo quản và vận chuyển còn rất thô sơ hiện nay. Tuy nhiên, các giống này cũng đã bộc lộ một số yếu điểm: 1) mẫn cảm với một số bệnh chính như thối khô da, thán thư, mốc xám và đặc biệt là đốm lá vi khuẩn; 2) thịt quả thô và chua, ít hấp dẫn đối với đa số người tiêu dùng; 3) không phù hợp với điều kiện canh tác trong nhà màng. Giống dâu tây New Zealand đang là giống được dùng nhiều cho sản xuất dâu tây trong điều kiện nhà màng. Giống có tiềm năng năng suất cao, trung bình đạt 18-20 tấn/ha, tuy vậy giống vẫn còn một số hạn chế như khả năng kháng bệnh phấn trắng kém, độ brix trung bình chỉ đạt khoảng 8,0-8,5%, màu sắc chưa hấp dẫn nên nhiều nông hộ đã không sử dụng cho mở rộng diện tích sản xuất.
Trong thời gian gần đây một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành nhập nội một số giống dâu tây về tổ chức sản xuất (nhập nội bằng con đường tiểu ngạch) như giống Goha (Hàn Quốc), Akihyme (Nhật Bản) …, các giống này tỏ ra thích ứng tốt với một số vùng Đà Lạt, Lâm Đồng, tiềm năng năng suất cao, chất lượng rất ngon, độ brix cao, quả tươi, hình dạng đẹp, rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vậy, các giống đều được bảo hộ giống tại Nhật Bản và Hàn Quốc nên không thể tổ chức nhân giống để phát triển quy mô sản xuất, nhất là thị trwòng xuất khẩu, bên cạnh đó, các giống dâu tây có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản có nhược điểm là quả rất mềm nên phải có công nghệ thu hái và vận chuyển phù hợp, các giống này khá mẫn cảm với bệnh phấn trắng nhất là trong điều kiện khí hậu tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thế Nhuận cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thực hiện nghiên cứu “Nghiên cứu tạo dòng dâu tây triển vọng phù hợp với canh tác ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” với mục tiêu tạo được một số dòng dâu tây có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp cho sản xuất dâu tây công nghệ cao trong điều kiện nhà lưới.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1) Lai tạo được 30 tổ hợp lai dâu tây, mỗi tổ hợp thu được 153-305 hạt, các THL gieo trồng với tỷ lệ mọc từ 80-85%.
2) Khảo sát, đánh giá và chọn lọc được 26 dòng chọn C1 có triển vọng: Năng suất trung bình từ 21,7 - 31,2 tấn/ha, hình dạng quả đẹp (hình nón, tim, thận, trụ, thoi), có màu đỏ khi chín, có mùi thơm, độ brix từ 10,4 - 12,8%, số quả loại 1 đạt từ 17 - 26 quả/cây, tỷ lệ quả loại 1 đạt từ 74,2 - 80,6%, khối lượng quả loại 1 đạt trung bình từ 10,2 - 14,4 g/quả, độ cứng quả khá. Kháng tốt với bệnh phấn trắng, thán thư và đốm lá vi khuẩn (cấp 1-3/9).
3) Khảo sát, đánh giá, chọn lọc được 8 dòng chọn C2 có triển vọng: PS 20.4.1, PS20.4.6, PS20.6.6, PS20.13.1, PS20.13.22, PS20.16.17, PS20.19.14 và PS20.25.15, có năng suất trung bình đạt từ 30,0 - 33,6 tấn/ha/năm, tỷ lệ quả loại 1 đạt từ 73,7 - 80,6%, khối lượng trung bình quả đạt từ 11,8 -13,9 gam/quả, độ brix đạt từ 11,4 - 12,8%, khẩu vị ngon, quả có mùi rất thơm và cứng quả. Kháng tốt với bệnh phấn trắng, thán thư và đốm lá vi khuẩn (cấp 1-3/9).
4) Nhân nhanh được được 23.700 cây giống dâu tây sạch bệnh (5.500 cây in vitro và 18.200 cây ngó); Lưu giữ an toàn in vitro tập đoàn 40 dòng dâu tây có triển vọng và tập đoàn giống bố mẹ, mỗi dòng/giống lưu giữ 5 bịch, mỗi bịch 5 cụm chồi.
5) Đăng 01 bài báo trên tap chí Khoa học công nghệ và Nông nghiệp Việt Nam (VASS), 20- số 8-2021 “Kết quả lai tạo, chọn lọc một số dòng dâu tây có triển vọng tại Lâm Đồng“.
6) Đề tài được tổ chức quản lý thực hiện chặt chẽ, theo đúng các quy định. Kinh phí đề tài đã được sử dụng theo đúng các nội dung đề tài được phê duyệt, không có kinh phí phát sinh. Hàng năm đều được cơ quan quản lý kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện, nghiệm thu công tác chuyên môn và kinh phí thực hiện.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20765/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Nguồn tin: