Hà Giang là tỉnh có địa hình chia cắt, đồi núi có độ dốc lớn, đất đai dễ bị bào mòn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều kiện hạ tầng cũng như cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao; ý thức người dân về phát triển các sản phẩm hàng hoá còn thấp.
Là địa phương có ngành chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê số lượng lợn trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 là 580.922 con, trong tổng số 955.025 con gia súc trong toàn tỉnh. Các giống lợn được nuôi phổ biến tại các xã trong huyện vùng núi chủ yếu là lợn địa phương và lợn lai với phương thức chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay lợn địa phương ngày càng mai một, chỉ còn một số ít phân bố tại các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh - nơi có điều kiện địa lý xa xôi, núi non hiểm trở, hệ thống giao thông không thuận tiện nên những địa phương này, ít bị pha tạp các giống lợn nhập ngoại và lợn nội khác của các vùng khác trong khu vực. Với các Hộ chăn nuôi ở vùng cao vùng sâu, vùng xa vẫn còn những Hộ chăn nuôi theo phương thức thả rông, chuồng trại sơ sài, chưa đảm bảo vệ sinh, hiệu quả kinh tế thấp, công tác thú y chưa được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ vacxin phòng bệnh thấp nên một số bệnh dịch vẫn thường xuyên xảy ra.
Trong các giống lợn địa phương ở Hà Giang, lợn đen Lũng Pù là giống có đặc điểm dễ nuôi, phàm ăn, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chất lượng thịt thơm ngon, trở thành thịt lợn đặc sản nên bán giá đắt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, lợn đen địa phương cũng là một trong những giống lợn lâu đời được người dân chăn nuôi là giống lợn đen có ngoại hình nổi bật với lông da toàn thân màu đen, thân ngắn, lưng hơi võng, chân nhỏ, tai nhỏ vểnh hướng lên trên, đầu nhỏ, mặt thẳng, sống mũi thẳng và có vệt lông trắng dọc sống mũi, khối lượng lúc trưởng thành khoảng 30 - 40kg, có những ưu thế mà các giống lợn nhập ngoại không có được, đó là khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, tính chịu đựng kham khổ cao và có chất lượng thịt mỡ thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do năng suất và hiệu quả chăn nuôi thấp, trong khi giá cả không có sự sai khác với nhóm lợn lai, nên nhiều người không muốn chăn nuôi giống lợn này mà chỉ sử dụng lợn cái để tạo con lai với giống lợn nhập nội. Trong quá trình phát triển cùng với những tiến bộ về giống được giới thiệu với thực tiễn sản xuất, số lượng giống này ngày càng giảm đi và bị pha tạp nhiều. Trong khi đó, thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng khá cao đối với các loại thịt lợn địa phương, dẫn đến việc tìm mua và bán giống lợn này về xuôi trở nên khan hiếm. Từ những lý do đó, nguy cơ tuyệt chủng lợn địa phương đã từng gắn bó lâu đời với đời sống của bà con dân tộc nơi đây ngày càng cao nếu không có những biệp pháp tích cực bảo vệ và phát triển nguồn gen quý hiếm này.
Trước tình hình thực tế trên, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt thực hiện đề tài: “Bảo tồn, khai khác nguồn gen lợn đen địa phương có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại tỉnh Hà Giang”. Với mục tiêu nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn nguồn gen lợn đen địa phương Hà Giang nhằm tạo ra sản phẩm thịt có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mục tiêu cụ thể nhằm thu thập, bảo tồn nguồn gen đàn lợn đen địa phương thuần có chất lượng tốt phù hợp với phương pháp chăn nuôi tại địa phương tại tỉnh Hà Giang; chọn lọc được 10 cá thể lợn đực giống; 30 cá thể lợn cái giống và khai thác nguồn gen thông qua thụ tinh nhân tạo.
Sau thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong việc khảo sát, tuyển chọn cá thể tốt, xây dựng mô hình bảo tồn nguồn gen lợn đen địa phương tại tỉnh Hà Giang. Đã tiến hành điều tra tại 33 xã, thị trấn thuộc 11 huyện và thành phố thuộc tỉnh Hà Giang, kết quả thu thập được 186.571 lợn đen địa phương, trong tổng số 580.923 con lợn (chiếm 32,12%). Cho thấy số lượng lợn đen địa phương giảm dần trong quá trình phát triển, mặc dù lợn đen địa phương còn có những hạn chế về năng suất so với các giống lợn khác (khối lượng nhỏ, thời gian sinh trưởng chậm, đẻ ít con) nhưng do chịu đựng được kham khổ, chất lượng thịt thơm ngon và người tiêu dùng ưa chuộng nên giống lợn này vẫn còn được một số hộ gia đình chăn nuôi chủ yếu ở các xã thuộc các huyện vùng cao như Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần và Bắc Mê.
Có 03 phương thức chăn nuôi lợn đen được người dân áp dụng: Phương thức chăn nuôi thả rông, thường gặp ở những hộ sống gần núi, có diện tích vườn rừng rộng, chuồng trại đơn sơ, hoặc sống trong các hang đá, thức ăn ít được quan tâm, lợn tự kiếm ăn ngoài môi trường,… vì vậy chúng có khả năng chịu được kham khổ cao, chống chịu bệnh tật tốt, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chỉ có 10 hộ nuôi theo phương thức này, chiếm 6,67% tổng số 150 hộ được điều tra, khảo sát; Phương thức bán chăn thả, phương thức này bổ sung thức ăn tinh, lợn được quây bằng hàng rào tre, nứa, gỗ hoặc xếp đá cao có diện tích khá rộng, để lợn vận động, có hộ tận dụng các thung lũng hai bên vách đá để nuôi, lợn được chăm sóc tốt hơn so với phương thức thả rông, sinh trưởng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, chiếm 50%; phương thức nuôi nhốt, là phương thức lợn được nuôi nhốt hoàn toàn, có điều kiện chăm sóc tốt và được cung cấp thức ăn đầy đủ, lợn sinh trưởng nhanh, tuy vậy, người tiêu dùng lại khộng ưa chuộng lợn được nuôi theo phương thức này, chiếm 43,33% số hộ chăn nuôi tại địa bàn điều tra. Có thể nhận thấy, Lợn đen địa phương có khả năng sử dụng các loại thức ăn khác nhau, thức ăn thô và sẵn có ở địa phương như rau lang, rau rừng, cây chuối,… cám gạo, bột sắn, ngô,… với các mức độ khác nhau. Như vậy, có thể thấy nguồn thức ăn của lợn đen địa phương rất phong phú, đa dạng, rẻ tiền và dễ kiếm, việc chủ động nguồn thức ăn bản địa sẵn có là rất có ý nghĩa trong trường hợp giá cả thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng.
Trong việc xây dựng mô hình lợn đen địa phương sinh sản, đề tài đã xây dựng được 3 mô hình sinh sản, kết quả mô hình tại huyện Hoàng Su Phì (đạt 10 lợn nái, 03 lợn đực); mô hình tại Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng (đạt 10 lợn nái và 05 lợn đực) và mô hình tại thị trấn Phố Bảng (đạt 05 lợn nái, 02 lợn đực). Tổng số bao gồm 25 lợn nái, 10 lợn đực đen địa phương có đặc điểm ngoại hình đặc trưng để nhân giống, bảo tồn gen. Kết quả đã có số con sơ sinh/ổ nuôi là 8,36 con, số con cai sữa là 7,82 con, số lứa đẻ 2,31 lứa/năm, trong thời gian thực hiện các mô hình đã sản xuất được 661 lợn con cai sữa.
Kết quả chăn nuôi lợn đen thương phẩm, đề tài đã theo dõi sinh trưởng của lợn đen địa phương về: Sinh trưởng tích luỹ, sinh trưởng tương đối và sinh trưởng tuyệt đối của lợn đen địa phương. Kết quả cho thấy, lợn đen địa phương 10 tháng tuổi có tỷ lệ móc hàm ở con cái và con đực lần lượt là 78,77 và 79,13%, tỷ lệ thịt xẻ 70,79 và 70,95%, tỷ lệ thịt nạc 44,68 và 43,49% và tỷ lệ mỡ 31,96 và 32,58%. Giá trị pH45p thịt thăn lợn đen địa phương là 6,28 ở con cái và 6,15 ở con đực. Kết quả độ dai của thịt lợn đen địa phương đạt 5,42 và 5,56 kg/cm2. Tỷ lệ mất nước sau bảo quản 24h và sau chế biến của thịt mông lợn đen địa phương ở con cái là 1,57 và 28,48%, ở con đực không có sự khác biệt lớn. Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy hàm lượng vật chất khô trong thịt lợn đen địa phương đạt 24,11-24,34% ở thịt mông và 25,75 - 25,23% ở thịt vai. Như vậy, lợn đen địa phương có năng suất thịt khá cao và chất lượng thịt tốt, tương đương với các giống lợn bản địa khác.
Kết quả khai thác nguồn gen phục vụ sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo: Đã xây dựng được 01 mô hình thụ tinh nhân tạo, quy mô 05 đực giống, đã lựa chọn lợn đực giống có độ tuổi 6 - 7 tháng, khối lượng trung bình đạt 40kg/con; có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống, các bộ phận cơ thể cân đối, hài hoà, liên kết chắc chắn. Đầu to vừa phải, mõm dài thẳng, cổ vừa phải, kết cấu chặt chẽ với đầu và vai. Vai ngực rộng, cân đối, lưng thẳng, mông nở, đùi dài, bề mặt phía trên đùi rộng, đầy đặn, chắc chắn, phía dưới thon nhỏ. Chân thẳng, nhỏ chắc chắn, hai ngón chân bằng, hai ngón trước to, đều, số vú chẵn, 10 vú trở lên, lông dài, bóng mượt, lông có màu đen tuyền, lông gáy dài vừa phải, da bóng,… Tiến hành huấn luyện đực giống nhảy giá, sau huấn luyện 3 -5 tuần đực có phản xạ nhảy giá khá tốt. Đã khai thác được tổng lượng tinh nguyên của cả mô hình là 18.260ml, trung bình 171,83ml/lần khai thác, mô hình đã pha loãng được 730 liều tinh thụ tinh số lợn nái của mô hình chăn nuôi lợn địa phương sinh sản và bán cho bà con trong và ngoài huyện,... Với tổng số 730 liều tinh của mô hình, đã tiến hành dẫn tinh cho 10 lợn nái, mỗi lợn nái 02 chu kỳ và mỗi chu kỳ động dục phối 02 liều ở ngày thứ 3 và 4 của chu kỳ động dục (tổng cộng 40 liều) 492 liều cung cấp cho các hộ chăn nuôi, 198 liều còn lại mang tiêu huỷ do hết thời gian bảo quản. Kết quả cho thấy, lợn đực đen địa phương nuôi tại huyện Đồng Văn có chất lượng tinh dịch khá tốt (kết quả trung bình các thông số theo dõi: Hoạt lực tinh trùng 79,26%, nồng độ tinh trùng 237,6 triệu/ml, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình 13,26%, tổng số tinh trùng tiến thẳng/lần xuất tinh 32,49 tỷ/lần). Tỷ lệ mang thai của lợn nái trong mô hình đạt khá cao 95% trong khi ngoài mô hình chỉ đạt 89,5%. Kết quả lợn nái thụ tinh nhân tạo cho kết quả về số con sơ sinh đạt 9 con/ổ so với 8,45 con/ổ ở mô hình phối giống trực tiếp. Về khối lượng sơ sinh/con ở thụ tinh nhân tạo đạt 0,55kg/con có biểu hiện cao hơn so với phương pháp phối giống trực tiếp 0,54kg/con. Điều này chứng tỏ chất lượng tinh của mô hình thụ tinh nhân tạo đạt kết quả khá tốt.
Như vậy, kết quả đề tài đã xây dựng được 03 mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương, trong đó 25 nái sinh sản và 10 con lợn đực giống, số lượng lợn sản xuất được từ mô hình là 280 con lợn nuôi thương phẩm, 177 con lợn bán giống và 216 con lợn đang theo mẹ. Thịt lợn đen địa phương có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cho thấy kết quả phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, nếu quy mô nuôi lớn hơn thì có thu nhập đáng kể, nếu nuôi cả lợn nái thì tiền mua giống sẽ giảm đi, tận dụng được nguồn thức ăn xanh cho lợn nái sinh sản, do đó thu nhập cũng sẽ tăng lên, trong khi đó đầu ra rất thuận lợi, dễ bán do nhu cầu thị trường cao. Ngoài ra, đề tài đã tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn đen địa phương, trong đó có 01 lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện gồm 15 người, 03 lớp tập huấn cho người dân với 150 lượt người. Kết quả tập huấn 100% học viên nắm được các kiến thức, kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi lợn đen địa phương và hỏi đáp việc phòng bệnh, điều trị bệnh cho lợn ở các giai đoạn tuổi khác nhau rất hiệu quả.
Có thể khẳng định, quá trình triển khai thực hiện, đề tài đã chọn lọc được nguồn gen lợn đen địa phương có ngoại hình đồng nhất, màu lông đen, thể chất nhanh nhẹn, vững chắc, thịt thơm ngon và có màu đỏ đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng. Đề tài đã giúp người chăn nuôi ý thức về quá trình chọn lọc lợn đen địa phương, kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao,... góp phần nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thúc đẩy nghề chăn nuôi và phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu chọn lọc, nhân giống về nguồn gen, đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển, năng suất nguồn gen lợn đen địa phương và nghiên cứu về một số quy trình trong chăn nuôi lợn đen địa phương phù hợp với tập quán của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục nhân rộng mô hình để thương mại hoá sản phẩm đặc sản này, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.
Nguồn tin: