Huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang nằm trong khu vực công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây dược liệu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, huyện ủy Yên Minh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU ngày 12/4/2021 về “phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Phát triển cây dược liệu nhằm khai thác lợi thế ưu đãi của tự nhiên đem lại đa dạng nền sản xuất nông nghiệp và nâng cao hệ số sử dụng đất, giá trị trên diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng tính bền vững hệ sinh thái rừng... Trong đó, cây Hồi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dần trở thành một trong những loại cây dược liệu chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, tập trung tại các xã: Ngọc Long, Mậu Long, Lao và Chải, Na Khê và Bạch Đích.
Hồi là loại cây ưa ẩm, dễ trồng, chăm sóc, có thể khai thác lá để chưng cất tinh dầu và khai thác quả Hồi, cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Vì vậy, diện tích và giá trị cây Hồi được nâng lên. Tuy nhiên, việc phát triển cây Hồi vẫn chủ yếu là tự phát, chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, chưa có quy hoạch cụ thể vùng trồng, quy mô; sản phẩm chế biến từ cây Hồi ở Yên Minh chủ yếu là chiết xuất tinh dầu thô và hoa Hồi tươi, khô chưa qua chế biến để xuất khẩu, hoặc thu mua bởi thương lái, chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu và trực tiếp phân phối tới người tiêu dùng.
Để phát triển sản phẩm hoa Hồi, cần nâng cao nhận thức của ngươi tiêu dùng về các giá trị và công dụng sản phẩm từ cây Hồi, cũng như đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Nhằm giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm sản xuất từ cây Hồi tại huyện Yên Minh, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là cần thiết góp phần giúp người sản xuất duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Do đó, dự án “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Hồi Yên Minh”cho sản phẩm Hồi của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang” được phê duyệt thực hiện có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ cây Hồi trên địa bàn huyện Yên Minh.
Dự án được phê duyệt thực hiện trong thời gian 18 tháng, với mục tiêu: Xây dựng bộ tiêu chí về chất lượng và danh tiếng, xác định sản phẩm mang NHCN “Hồi Yên Minh”; xây dựng bộ hồ sơ đăng ký NHCN “Hồi Yên Minh” cho các sản phẩm từ Hồi Yên Minh, tỉnh Hà Giang nhằm quản lý tốt hơn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; xây dựng hệ thống văn bản, công cụ quản lý và phát triển NHCN cho các sản phẩm “Hồi Yên Minh”, tỉnh Hà Giang; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đã điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đối với 50 người sản xuất và 30 tác nhân thị trường. Báo cáo khảo sát đã mô tả được thực trạng sản xuất và tiệu thụ các sản phẩm hồi trên địa bàn huyện. Phần lớn các hộ trồng hồi ở diện tích l ha, có tới 22 hộ trong tổng số 50 hộ, 1- 3 ha có 17 hộ và 11 hộ trồng Hồi diện tích trên 3 ha. Các hộ trồng hồi chủ yếu là người dân địa phương, trình độ các hộ tham gia sản xuất là cấp 2 và làm nông nghiệp. Vì thế các hoạt động tập huấn chủ yếu là cầm tay chỉ việc, hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng. Đối với việc thu hoạch và chế biến chủ yếu là hoa hồi tươi và lá hồi. Sau khi thu hái về đa số người dân bán hồi tươi luôn, một số ít bán hồi phơi khô. Đối với lá hồi được các hộ chưng cất thành tinh dầu và cất trữ trong can chờ thương lái đến thu mua. Kết quả đối với các sản phẩm hồi, chi phí đầu tư cho cả quá trình trồng đến khi thu hoạch có sự khác biệt về giống, phân bón khác nhau, chi phí bỏ ra khác nhau. Do đó, năng suất và sản lượng cũng khác nhau.
Dự án đã triển khai xây dựng được bộ hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm hồi huyện Yên Minh gồm: Thiết kế logo và lựa chọn mẫu NHCN cho sản phẩm “Hồi Yên Minh”; Tờ khai đăng ký NHCN; Mẫu NHCN “Hồi Yên Minh”; Quyết định cho phép sử dụng tên địa danh Yên Minh; Bản đồ khu vực địa lý mang NHCN “Hồi Yên Minh”; Bản mô tả về tính chất, chất lượng của sản phẩm mang NHCN; Quy chế quản lý và sử dụng NHCN. Hoàn thiện 01 bộ hồ sơ đăng ký NHCN cho sản phẩm Hồi Yên Minh đã được Cục SHTT chấp thuận ngày 07/8/2023 theo Quyết định số 59586/QĐ-SHTT. Ngày 16/4/2024 cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận cho sản phẩm “Hồi Yên Minh”, Nhãn hiệu số 487900 cho các sản phẩm hồi Yên Minh (theo Quyết định số 44467/QĐ-SHTT). Việc này giúp sản phẩm hồi của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang được nâng tầm thương hiệu và là cơ sở phát triển bền vững trong thời gian tới.
Qua đó, xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng NHCN cho các sản phẩm: “Hồi Yên Minh”, tỉnh Hà Giang. Dự án đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng NHCN “Hồi Yên Minh” đảm bảo tuân thủ theo pháp luật hiện hành đồng thời đảm bảo tính khoa học và khả thi khi triển khai trong thực tế gồm: Quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHCN; Quy chế cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN; Tài liệu quản lý, giám sát việc sử dụng NHCN.
Triển khai thí điểm trao (cấp) quyền sử dụng NHCN cho các sản phẩm: “Hồi Yên Minh”, tỉnh Hà Giang. Dự án đã tiến hành hỗ trợ cấp quyền sử dụng NHCN “Hồi Yên Minh” cho HTX Phát triển nông nghiệp Ngọc Long địa chỉ tại Thôn Phiêng Kiền, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Tổ chức hội thảo, hội nghị được triển khai theo đúng thời gian và nội dung quy định như: Hội nghị triển khai dự án với các bên liên quan tại huyện Yên Minh (quản lý và hưởng lợi); Hội thảo xây dựng bộ tiêu chí chất lượng mang NHCN cho sản phẩm Hồi Yên Minh tại huyện Yên Minh; Hội thảo góp ý hoàn thiện Bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm Hồi; Hội thảo lấy ý kiến về mẫu thiết kế logo, quy chế quản lý và sử dụng NHCN cho Hồi Yên Minh từ cơ quan chuyên môn và người sản xuất, kinh doanh Hồi Yên Minh; Hội thảo thống nhất về khu vực địa lý về hiện trạng và tiềm năng phát triển sản phẩm mang NHCN "Hồi Yên Minh"; Hội nghị tập huấn về phổ biến các kiến thức văn bản cho người hưởng lợi về việc sử dụng NHCN "Hồi Yên Minh”; Lễ công bố Giấy chứng nhận đăng ký NHCN “Hồi Yên Minh”.
Sau khi dự án được thực hiện thành công, đã mang lại hiệu quả về các mặt: Xây dựng NHCN cho sản phẩm Hồi Yên Minh góp phần hoàn thiện phương pháp luận về nghiên cứu xây dựng NHCN cho các sản phẩm nông sản cùng loại. Từ kết quả dự án góp phần làm cơ sở thực tiễn và lý luận để xây dựng và phát triển mô hình NHCN cho các sản phẩm nông sản khác. Trong việc phát triển kinh tế - xã hội, dự án “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Hồi Yên Minh”cho sản phẩm hồi của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang” cũng đã đạt được những tác động nhất định đến hiệu quả kinh tế và xã hội tại vùng sản xuất cụ thể như: Các đối tượng tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án là những người trồng và kinh doanh sản phẩm từ cây hồi trên địa bàn huyện Yên Minh có thêm một công cụ hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường và bước đầu kinh doanh sản phẩm có nhãn hiệu làm cơ sở tạo niềm tin cho người tiêu dùng; các đối tượng hưởng lợi của dự án nắm được các khái niệm cơ bản về nhãn hiệu và kinh doanh sản phẩm có nhãn hiện từ đó từng bước nâng cao nhận thức trong sản xuất nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó từng bước hạn chế rủi ro về thì trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Dự án đã góp phần hoàn thiện sản phẩm cho HTX trên địa bàn huyện làm cơ sở việc phát triển sản phẩm, tham gia thị trường và tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, NHCN “Hồi Yên Minh” cho sản phẩm Hồi Yên Minh của tỉnh Hà Giang sẽ được duy trì bền vững bởi những lý do sau: Nhãn hiệu chứng nhận “Hồi Yên Minh” được bảo hộ là cơ hội thuận lợi, phát huy lợi thế cạnh tranh để làm tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân trồng hồi. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ; NHCN “Hồi Yên Minh” hỗ trợ việc xúc tiến thương mại là một hộ chiếu cho xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín, sản phẩm đến từ gốc và có chất lượng được khẳng định bằng chính tên gọi của vùng lãnh thổ; NHCN “Hồi Yên Minh” là một công cụ để phát triển nông thôn và mở ra một cách sản xuất khác: Giữ gìn và hồi sinh năng lực các vùng nông thôn; tăng thêm giá trị của sản xuất theo phương pháp truyền thống; cho phép quảng bá di sản nông nghiệp của quốc gia đồng thời giữ được truyền thống văn hóa; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; NHCN “Hồi Yên Minh” góp phần thực hiện sự công bằng kinh tế, bởi lẽ sự phong phú về các NHCN tiềm năng được phân bổ đều giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển. Mặt khác, NHCN được các quốc gia bảo hộ, với mức chi phí thấp đối với các nhà sản xuất; với hạt nhân là HTX có hoạt động sản xuất và thương mại các sản phẩm từ cây hồi. Dự án đảm bảo NHCN được sử dụng trên bao bì sản phẩm góp phần tăng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Đây là cơ sở cho việc bền vững và nhân rộng của dự án.
Dự án đăng ký bảo hộ NHCN “Hồi Yên Minh” được thực hiện thành công, sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện Yên Minh. Trong tương lai, “Hồi Yên Minh” sẽ không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Hà Giang mà còn là biểu tượng của chất lượng và truyền thống trong ngành sản xuất hồi Việt Nam, góp phần vào việc nâng cao uy tín và vị thế của sản phẩm hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Qua đó, không chỉ góp phần giúp người sản xuất duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến từ quả, thân, lá cây hồi; là căn cứ để cấp ủy, chính quyền địa phương có những cơ chế, chính sách, hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm. Ngoài ra, khi có nhãn hiệu sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm sản xuất từ cây hồi tại huyện Yên Minh, có thêm niềm tin khi mua sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân./.
Nguồn tin: