Trong nền kinh tế thị trường hội nhập, nhiều địa phương, khu vực, quốc gia cùng sản xuất hoặc cung cấp một loại sản phẩm, vì vậy, hàng hóa cần có các dấu hiệu nhận diện và các dấu hiệu này cần được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) để tránh các tranh chấp thương mại. Luật SHTT của Việt Nam ra đời năm 2005 và được sửa đổi mới nhất là năm 2022, là cơ sở pháp lý cho việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu.
Huyện Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang là một phần quan trọng trong Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Với những giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, cùng những nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán, các danh lam thắng cảnh đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, qua đó đã thúc đẩy du lịch - dịch vụ phát triển toàn diện, từ đó, nhu cầu về lương thực, thực phẩm sẽ ngày càng gia tăng khi hoạt động du lịch phát triển sẽ là động lực để thúc đẩy ngành nông nghiệp trên địa bàn Huyện.
Hiện nay, trên địa bàn Huyện có 13 cơ sở và 08 làng nghề sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Bánh Tam giác mạch, rượu ngô, mật ong Bạc Hà, gạo Khẩu Mang, chế biến chè Shan tuyết, Đậu xị, tinh dầu từ quả Óc chó, thịt Bò vàng… Đây đều là những sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch đến thưởng thức, mua làm quà. Từ thực tế, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gắn kết với du lịch là hướng đi thiết thực trong việc tạo diện mạo nông thôn mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên vùng Cao nguyên đá. Do vậy, việc xây dựng và phát triển NHCN “gạo Khẩu Mang Đồng Văn” không chỉ nhằm mục tiêu xây dựng nhãn hiệu được bảo hộ phục vụ phát triển thị trường, nâng cao thu nhập cho các cá nhân, đơn vị sản xuất, chế biến và thương mại đối với sản phẩm gạo Khẩu Mang mà còn tạo lập thêm một sản phẩm gắn với thương hiệu du lịch của Huyện, giúp duy trì bản sắc, văn hoá sản xuất truyền thống, có tính đặc thù của những cộng đồng địa phương ở vùng Cao Nguyên đá.
Giống lúa Khẩu Mang được người dân huyện Đồng Văn chọn lọc có những tính năng vượt trội so với các gống lúa khác đang được trồng ở Huyện như: Chất lượng gạo thơm, ngon, chịu được hạn, kháng sâu bệnh và để được giống cho sản xuất vụ sau. Cơm nấu từ gạo Khẩu Mang được đánh giá là dẻo, thơm hơn so với nhiều loại gạo khác, để được lâu và giữ được hương của gạo... Hiện nay, tại thị trường Hà Giang gạo Khẩu Mang được bán với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với giá của các loại gạo khác.
Diện tích lúa Khẩu Mang của Huyện hiện nay được mở rộng lên đến 200ha nhờ Mô hình nhân rộng diện tích lúa Khẩu Mang của huyện lồng ghép với Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình nhân rộng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học của trạm Khuyến nông huyện, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trong đó, diện tích trồng lúa Khẩu Mang tập trung tại địa bàn thị trấn Đồng Văn, xã Ma Lé và xã Lũng Cú (là những nơi có điều kiện tưới tiêu tốt) chiếm khoảng 144ha, năng suất bình quân đạt 50-51 tạ/ha. Tuy nhiên, gạo Khẩu Mang Đồng Văn có chất lượng tốt nhưng không đồng đều do quy trình sản xuất (canh tác, sơ chế) chưa được đồng nhất. Thu nhập bình quân của hộ từ gạo Khẩu Mang đạt khoảng 50 triệu đồng/ha.
Về khía cạnh thị trường, gạo Khẩu Mang của huyện được tiêu thụ chủ yếu tại một số thị trường lân cận như: Huyện Yên Minh, Quản Bạ và thành phố Hà Giang, đối tượng tiêu dùng gạo Khẩu Mang chủ yếu là khách du lịch và người tiêu dùng trong tỉnh, sản lượng bán qua các kênh trực tuyến cho người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố khác chiếm tỷ trọng nhỏ. Phần lớn sản phẩm được lưu thông không có dấu hiệu nhận diện, bao bì, nhãn mác. Để phát triển bền vững chuỗi giá trị gạo Khẩu Mang, hỗ trợ phát triển du lịch của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo việc làm tại chỗ, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… cần phải giải quyết các vấn đề chính như: Xây dựng NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” làm công cụ nhận diện, phân biệt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ; Sản phẩm sử dụng NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” cần duy trì được chất lượng của mình thông qua việc kiểm soát và được chứng nhận bởi một tổ chức có thẩm quyền về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, quy trình kỹ thuật sản xuất và bảo quản sản phẩm... để thuyết phục người tiêu dùng.
Căn cứ vào tính cấp thiết, vào thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, việc xây dựng NHCN cho sản phẩm gạo Khẩu Mang của huyện Đồng Văn là cần thiết và phù hợp nhất. NHCN cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, tăng khả năng nhận biết và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm, chứng nhận các sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định, tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng sản phẩm được kiểm nghiệm và chứng nhận bởi một tổ chức có thẩm quyền. Đây chính là cơ sở để tăng cường khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ và vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm gạo Khẩu Mang của huyện Đồng Văn.
Dự án "Xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “gạo Khẩu Mang Đồng Văn” cho sản phẩm gạo Khẩu Mang của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang" do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đồng Văn triển khai thực hiện, với mục tiêu chung nhằm xây dựng, phát triển và khai thác NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” nhằm nâng cao uy tín của sản phẩm gạo mang NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho góp phần phát triển sản phẩm “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” một cách bền vững. Mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng Hồ sơ chi tiết có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn”, đăng ký thành công NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” và nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp để quản lý và phát triển NHCN.
Dự án đã triển khai các nội dung chi tiết, cụ thể: Xây dựng NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” (trong đó, đã đánh giá được hiện trạng sản xuất và tiêu thụ gạo Khẩu Mang của huyện Đồng Văn, xây dựng bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn”, xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm mang NHCN, thiết kế mẫu NHCN - Logo, xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn”, xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN), xây dựng Hệ thống quản lý, sử dụng NHCN và quảng bá giới thiệu sản phẩm “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn”... Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã thành lập bộ phận chuyên môn quản lý để chỉ đạo, phối hợp và đôn đốc thực hiện dự án. Kết hợp chặt chẽ với các đơn vị/cá nhân có chuyên môn và kinh nghiệm theo từng nội dung để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng đặt ra và kinh phí được phê duyệt (UBND huyện làm chủ sở hữu NHCN và điều phối các hoạt động có liên quan đến tổ chức chứng nhận; Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì thực hiện dự án, phối hợp với các chuyên gia thực hiện các hoạt động của dự án...)...
Sau 02 năm triển khai thực hiện các nội dung, dự án đã đạt được các kết quả theo Thuyết minh được phê duyệt: Báo cáo đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo Khẩu Mang, báo cáo đã phản ảnh đúng thực tế và nêu bật được các vấn đặt ra và phương án giải quyết của Huyện; hồ sơ đăng ký NHCN được Cục SHTT chấp nhận đơn hợp lệ; giấy chứng nhận đăng ký NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn” được Cục SHTT cấp; các tài liệu (kỹ thuật về sản xuất và bảo quản gạo Khẩu Mang, Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng NHCN “Gạo Khẩu Mang Đồng Văn”; sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng NHCN); bộ Tài liệu tập huấn; bộ Hồ sơ cấp phép sử dụng NHCN đầy đủ, dễ hiểu và dễ áp dụng; bộ nhận diện thương hiệu; báo cáo thử nghiệm thị trường sản phẩm gạo Khẩu Mang Đồng Văn mang NHCN đảm bảo thông tin đầy đủ, đánh giá đúng thực tế kết quả của quá trình thử nghiệm...
Có thể khẳng định, qua các kết quả đã đạt được, dự án đã có những tác động nhất định về mặt khoa học (áp dụng một tiếp cận đa ngành trong việc xây dựng tài sản trí tuệ và khai thác giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn), hiệu quả kinh tế - xã hội (góp phần nâng cao được nhận thức của các hộ gia đình và HTX tại địa phương về giá trị kinh tế của cây gạo Khẩu Mang nói riêng và các loại cây trồng đặc sản nói chung, tiềm năng phát triển và sự cần thiết phải tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập để giá trị hóa những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội). Các tài liệu của dự án là cơ sở tiếp tục nâng cao năng lực cho các hộ gia đình và HTX trong vùng về liên kết sản xuất - tiêu thụ, các kỹ năng phát triển thị trường, quản lý và phát triển thương hiệu; Dự án góp phần định vị giá trị của sản phẩm gạo Khẩu Mang trên thị trường trước sức ép cạnh tranh của gạo Khẩu Mang từ các khu vực khác...
Qua kết quả dự án có thể nhận thấy, việc quản lý và khai thác các giá trị kinh tế - xã hội của sản phẩm mang NHCN là một quá trình, đòi hỏi thời gian, nhân lực, vật lực và sự kiên trì. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển dài hạn để quản lý và khai thác NHCN được bảo hộ. Việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm tới các thị trường tiềm năng cần phải tiếp tục đẩy mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Đây chính là những cơ sở quan trọng để tăng cường khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ và vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm gạo Khẩu Mang của huyện Đồng Văn, giúp xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nơi địa đầu tổ quốc của tỉnh Hà Giang./.
Nguồn tin: