Ngày đăng: 01/07/2024 / Lượt xem: 3
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng ngô kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Cây ngô, còn được gọi là cây bắp, là một trong những loại cây lương thực quan trọng, xếp thứ ba sau cây lúa gạo và lúa mì. Mặc dù không phải là cây chính trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng cây ngô vẫn đóng góp quan trọng vào việc cung cấp nguồn thực phẩm và cho nền kinh tế quốc gia.


Cây ngô có khả năng thích nghi cao với nhiều điều kiện đất đai và khí hậu, từ vùng đất khô cằn đến các vùng đất ẩm ướt, chúng cung cấp nguồn thực phẩm cơ bản cho con người và cũng được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học). Ngoài ra, ngô thường được sử dụng làm thực phẩm cung cấp thức ăn cho con người (bắp rang bơ, ngô nướng, ngô luộc...) và bổ sung thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, trồng cây ngô không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho con người mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân và nhiều quốc gia trên thế giới.

Với tỉnh Hà Giang, ngô là cây trồng nhiều nhất trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần, đây là những địa phương trồng ngô với diện tích, sản lượng lớn nhằm cung cấp nguồn lương thực đảm bảo cung cấp cho người dân và thức ăn cho chăn nuôi. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi núi dốc, thiếu nước, đất sản xuất chủ yếu trồng trên đất nương hốc đá, chân đồi núi, tầng canh tác mỏng, diện tích nhỏ lẻ nên việc áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá vào sản xuất không thuận lợi; việc chuyển đổi giống, đưa phân bón, kỹ thuật vào đầu tư thâm canh còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, với những sản phẩm làm ra, người dân chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp và chưa thể hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, giá trị sản xuất ngô đạt thấp so với các loại cây trồng khác như rau màu hay một số loại cây ăn quả khác. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng ngô kém hiệu quả phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ mong muốn và tự nguyện của người dân trong việc tham gia thực hiện với mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế cao hơn/ha đất canh tác và tạo ra chuỗi liên kết bền vững.

Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng ngô kém hiệu quả sang một số loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn là thực sự cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Nhằm hiện thực hóa các chủ trương trên, ngày 08/12/2023, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 2438/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Đề án đặt mục tiêu mỗi huyện xây dựng từ 2 - 3 mô hình trên các cây trồng thế mạnh của từng địa phương để trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi khép kín (từ khâu nuôi, trồng đến chế biến) và liên kết tiêu thụ sản xuất, khuyến khích áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó làm điểm tham quan, học tập, tuyên truyền nhân rộng. Chuyển đổi thành công từ 1.000ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn trở lên; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi tăng từ 20% trở lên so với trước. Đồng thời, việc duy trì và nâng cao năng suất diện tích ngô còn lại nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững; tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái... 

Đề án cũng đồng thời nêu rõ mục tiêu đối với chăn nuôi, phải đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi nông hộ, khuyến khích chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ trở lên. Các diện tích thực hiện chuyển đổi phải tập trung, thuận tiện giao thông và có liên kết sản xuất khép kín để tạo thành vùng sản xuất hàng hoá. Các loại cây trồng, vật nuôi thực hiện chuyển đổi phải có giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác, ưu tiên các loại đã được tỉnh xác định tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị và theo tín hiệu thị trường...

Sau thời gian triển khai thực hiện, việc chuyển đổi đất trồng ngô theo phương thức truyền thống sang các loại cây trồng khác đem lại giá trị kinh tế cao hơn, điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng củ cải xuất khẩu ở huyện Xín Mần, trồng khoai Sâm ở huyện Đồng Văn, trồng Xoài ở huyện Yên Minh... kết quả cụ thể như sau:

Tại xã Mậu Duệ - huyện Yên Minh có diện tích gieo trồng ngô là 464,5ha, năng suất đạt 37,47ha, nhiều diện tích trồng ngô là đất nương, dễ bị rửa trôi, bạc màu, cho năng suất, sản lượng thấp và hiệu quả kinh tế kém, hiện xã đã thí điểm chuyển đổi nhiều loại cây trồng như cây xoài là phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, giống xoài Kim Hoàng (Đài Loan) đã được khảo nghiệm thực tế cho năng suất, sản lượng và đem lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây ngô kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn, xã xác định từng bước chuyển đổi 110ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng giống xoài Kim Hoàng, hướng tới phát triển thành vùng sản xuất tập trung, liền vùng, liền khoảnh ở một số thôn. Hiện có trên 22ha xoài, trong đó: 16ha xoài Kim Hoàng (6 ha bắt đầu thu hoạch); 6ha xoài địa phương. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư có thu hồi từ nguồn vốn để trồng xoài nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi ngô sang trồng xoài tập trung ở một số thôn như Lão Lùng, Khau Piai, Kéo Hẻn, Nà Sài, Cốc Cai, từ năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ và vận động 26 hộ dân chuyển đổi được 9,5ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng xoài, dự kiến năm 2024 sẽ thực hiện thêm 7,5ha.

Tại xã Tả Lủng - huyện Đồng Văn đã tích cực vận động nhân dân trên địa bàn xã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây khoai Sâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng nông thôn mới, với những củ khoai Sâm có màu trắng ngà, bên trong có vị ngọt mát. Sau khi thu hoạch xong, khoai Sâm sẽ được phân loại, những củ to, đẹp sẽ được bán cho thương lái, còn những củ nhỏ hơn sẽ được người dân sử dụng phục vụ cuộc sống. Với những kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới diện tích trồng trọt sẽ được mở rộng ra các thôn, bản, khuyến khích người dân thực hiện trồng cây khoai Sâm trên những diện tích đất trồng ngô, lúa không hiệu quả.

Đối với huyện Quản Bạ có tổng diện tích gieo trồng là 16.205 ha, trong đó nhóm cây lương thực có hạt đạt trên 7.100ha, nhóm cây hạt có chứa dầu trên 2.100ha, nhóm rau, đậu các loại gần 2.400ha, nhóm cây dược liệu 2.970ha... Việc thực hiện chuyển đổi tại xã Lùng Tám thực hiện liên kết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ cây ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái vụ như: Ớt cao sản, dưa chuột trái vụ, cà chua trái vụ và cây ăn quả. Với xã biên giới Nghĩa Thuận, đã chuyển đổi gieo trồng và phát triển giống hồng không hạt; 8.000 cây cà chua trái vụ,… Bên cạnh đó, xã Thanh Vân đã chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 350ha cỏ chăn nuôi, chủ yếu là cỏ VA 06 và cỏ voi, những diện tích đất thuận lợi đã được người dân chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi.

Ngoài ra, tại các địa phương trong huyện cũng đã trồng một số loại cây rau màu theo hướng tập trung và liên kết trong bao tiêu sản phẩm với một số công ty, HTX trong và ngoài tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng như: cây dưa chuột; cây cà chua; cây đậu cove cho năng suất 20tấn/ha. Qua đó, tạo vùng trồng cây nông nghiệp tập trung gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa điểm cung cấp là người nông dân với các doanh nghiệp trước khi đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân tại địa phương.

Như vậy, có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô kém hiệu quả sang các loại cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác, khai thác tiềm năng lợi thế trên diện tích đất đai sẵn có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện xoá đói, giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sự minh bạch thông tin sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người dùng và thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 2 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 13

Hôm nay: 323

Tháng này: 112105

Tổng lượt truy cập: 435285