Chủ Nhật, 20/04/2025
Ngày đăng: 01/01/2025 14:01:08 / Lượt xem: 180
Xem với cỡ chữ

Hiệu quả mô hình trồng hoa Hồng tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và kỹ thuật trồng hoa Hồng

Xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, để phát triển sản xuất nông nghiệp. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, trong đó lĩnh vực trồng trọt được coi là mũi nhọn, xã Quyết Tiến đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đem lại thu nhập cao cho người dân, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.


Những năm gần đây, nông dân và chính quyền xã tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có một số loại hoa được thị trường tiêu thụ mạnh như hoa ly, hoa cúc và đặc biệt là hoa Hồng, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của xã Quyết Tiến. Do hoa Hồng cho thu hoạch quanh năm, sau thời gian xuống giống khoảng 3 tháng là có hoa để thu hoạch, vốn đầu tư tiền giống chỉ một lần, song người trồng có thể thu hoạch liên tục từ 6 đến 8 vụ. Trước nhu cầu thị trường về sử dụng hoa Hồng trong cuộc sống hằng ngày, xã Quyết Tiến đã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng hoa Hồng nhằm giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, đồng thời giảm chi phí đầu tư, công sức lao động và tăng thu nhập cho người dân; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng của địa phương như thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang nhân rộng diện tích trồng hoa Hồng và nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống, các thiết bị hiện đại vào quá trình trồng và chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Viên - là một trong những hộ gia đình trồng hoa Hồng ở thôn Bó Lách. Với hơn 8000m2 diện tích đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, ngô mang lại thu nhập thấp. Tận dụng đất còn nhiều khoảng trống anh đã lên luống trồng thử vài trăm gốc hoa Hồng. Ban đầu, do không nắm được kỹ thuật nên bị sâu bệnh tấn công, không kích được hoa nở đúng thời điểm, mang lại hiệu quả không cao. Vì vậy, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều vùng trong và ngoài tỉnh, nhận thấy trồng hoa Hồng trên đất lúa, ngô là mô hình có thể cải thiện kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Viên quyết định đầu tư vốn, thời gian học hỏi kinh nghiệm và tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Hồng. Sau gần 2 năm trồng, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình này của gia đình anh ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đồng, Trần Văn Bắc ở cùng thôn,… cũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng hoa Hồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc hoa theo diễn biến thời tiết, thường xuyên tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, chủ động che chắn cho hoa, tránh để gió mạnh làm táp bông, thâm cánh,... Hiện nay, mô hình trồng hoa Hồng của các hộ gia đình đã dần có chỗ đứng trên thị trường, cung cấp hoa cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết như các ngày: Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tết cổ truyền… với giá dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/bông. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 250 triệu đến 300 triệu đồng.

            Có thể nói, việc ứng dụng KHKT vào việc trồng hoa Hồng trên đất lúa tại xã Quyết Tiến không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước hình thành vùng trồng hoa lớn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Như vậy, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT, các hộ gia đình trồng hoa Hồng đã nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Với những kết quả đã đạt được, các hộ dân khác tại địa phương có thể mở rộng diện tích canh tác, có thể trồng hoa Hồng với một số kỹ thuật như sau:

Chọn giống: Có thể chọn một số giống Hoa hồng đang được trồng phổ biến hiện nay tại Việt Nam là giống hoa Hồng Pháp, hoa Hồng Đà Lạt, hoa Hồng Tỷ muội,…

Chuẩn bị giống: Có thể tự nhân giống bằng cách giâm cành, ghép mắt, mua giống có sẵn tại các cơ sở nhân giống,…

Chuẩn bị đất: Vệ sinh đồng ruộng sạch, xử lý cỏ dại, nhặt các gốc cây rễ cây trên ruộng. Sau đó cày sâu, bừa kỹ 2 lần, bón vôi cải tạo độ chua của đất kết hợp bón lót phân chuồng và đánh luống cao từ 25 - 30cm để giúp thoát nước tốt, tránh ngập úng.

Kỹ thuật trồng hoa Hồng:

Khoảng cách trồng: Cây cách cây 25 - 30cm, hàng cách hàng 50cm. Trồng cây giống thẳng đứng, rồi lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh để phân tiếp xúc với rễ và tưới thật đẫm nước.

Chăm sóc: Lượng phân bón (tính cho 1000m2): Dùng phân chuồng: 5,5 - 8,5 tấn; supe lân: 270 - 280kg; Kali clorua 80 - 90kg; Urê: 140 - 150kg; Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 phân lân, bón trước trồng 5 - 6 ngày; khi cây bén rễ hồi xanh, tiến hành bón phân thúc, lượng phân bón 6kg đạm + 4kg lân + 4kg kali/1000m2/1 lần. Định kỳ 10 - 15 ngày bón 1 lần. Trước khi thu hoa 15 - 20 ngày, ngừng bón phân. Ngoài ra, cần bổ sung phân bón lá cho cây.

Kỹ thuật tưới nước: Tưới nước ngập rãnh tức là bơm nước vào 2/3 các rãnh để 2 tiếng đồng hồ sau đó rút hết nước hoặc tưới bằng vòi bơm vào mặt luống giữa 2 hàng cây, tránh bắn nước nhiều lên bộ lá và nụ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh lan truyền.

Kỹ thuật bấm ngọn, vít cành điều tiết sinh trưởng: Bấm ngọn, vít cành cây là cách làm giúp cho cây tăng năng suất từ 3 - 4 lần. Khi cây cao khoảng 30cm thì tiến hành bấm ngọn để cây phân cành. Đối với những cành nhỏ thì áp dụng biện pháp vít cành (uốn cong và bẻ gập cành). Mục đích của biện pháp này là hạn chế các cành tăm phát triển, giúp bật được nhiều mầm hoa to, khỏe ở phía gốc của cây. Lưu ý: Vít cành chỉ áp dụng đối với cây giâm.

Kỹ thuật bao hoa trên đồng ruộng: Nhằm mục đích tránh côn trùng và các tác động của môi trường xung quanh, đồng thời giữ hoa nhanh nở trong vài ngày. Có 2 cách bao hoa là bao bằng giấy báo (cắt 1 mảnh giấy báo quấn quanh bông hoa và buộc hoặc dán lại) và bao bằng lưới bao có sẵn.

Phòng trừ sâu, bệnh:

Nhện đỏ: Chích hút dịch trong mô lá tạo thành vết hại có màu nâu, làm cho lá có màu vàng, quăn queo rồi rụng. Khi phát hiện có triệu chứng bệnh, tiến hành cắt bỏ những cành có nhện, sau đó, dùng thuốc hoá học đặc trị như: Pegasus 500 SC 7 – 10ml/bình 8 lít nước,… Lượng phun 15 bình/1.000m2.

Rệp: Rệp sống chủ yếu ở mầm nách lá và mặt dưới lá, sinh sôi nảy nở trên lá và đọt non, nụ và lá non, kết hợp biện pháp cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy và sử dụng thuốc hoá học Supaside 40ND nồng độ 0,15%,… phun cho hoa khi có rệp xuất hiện.

Sâu xanh và sâu khoang: Sâu ăn phần thịt lá, lá non, ngọn non, mầm non, nụ hoa. Nếu phát hiện cây bị sâu ăn, tiến hành ngắt bỏ ổ trứng, cắt bỏ hoặc tiêu hủy các bộ phận bị sâu phá hoại và sử dụng các loại thuốc Supracide 40ND liều lượng 10 –15ml/bình 8 lít,… Lượng phun 15 bình/1.000m2.

Bọ trĩ: Chích hút nhựa ở ngọn non, lá non, đặc biệt là nụ, hoa, làm cho hoa nhanh tàn và thối, gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa. Sử dụng Polytrin P 440ND liều lượng 8 - 10ml/bình 8 lít,… phun cho hoa và thay đổi loại thuốc giữa các lần phun.

Bệnh phấn trắng: Hại trên các lá non, các lá bánh tẻ và cổ bông, bệnh làm lá biến dạng, thân khô, nụ ít, hoa thường không nở, bệnh nặng cây có thể chết. Vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá bệnh để tránh lây lan. Làm thông thoáng mặt luống, giảm độ ẩm mặt luống, cây và lá nhận được nhiều ánh sáng. Sử dụng Score 250 ND liều lượng 10ml/bình 8 lít, Anvil 5SC liều lượng 7-10ml/bình 8 lít,...

Bệnh đốm đen: Thường phá hoại trên lá bánh tẻ, gây hại chủ yếu trên lá, thân, cành non, đế hoa. Có thể sử dụng Daconil 500WP liều lượng 25mg/bình 8 lít,... Lượng phun 10 bình/1.000m2.

Bệnh gỉ sắt: Hình thành ở mặt dưới lá, bệnh làm lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ, cây còi cọc. Cần vệ sinh đồng ruộng, làm thông thoáng vườn, cắt bỏ tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Sử dụng Kocide liều lượng 10 - 15g/bình 8 lít,... để phun trừ khi phát hiện chớm bệnh.

Thu hoạch, bảo quản hoa sau cắt cành: Bán tại chỗ hoặc vận chuyển gần thì thu hoạch khi cánh hoa ngoài đã nở, vận chuyển xa thì hái sớm hơn.

Thời gian thu hái: Nên thu hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát lúc cây còn sung nhựa, nhiều nước, trước khi cắt hoa nên tưới nhiều nước. Thông thường cắt hoa chừa lại phần gốc 20 - 30cm. Sau khi cắt hoa nhúng ngay vào thùng nước có chứa chất khử Etylen khoảng 30 phút, sau đó ngâm vào thùng chứa dung dịch dinh dưỡng cho hoa nở khoảng 1 - 3 giờ, để hoa ở chỗ thoáng mát, sạch sẽ và đóng gói trước khi vận chuyển đi xa./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 4/2024

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...