Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới và có những kết quả nghiên cứu đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang.
Năm 2024 là năm thứ 4 tỉnh ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho các tỉnh nói riêng, bên cạnh đó, do hậu quả và tác động của đại dịch covid-19 vẫn còn tồn tại ở hầu khắp các nước. Trước tình hình đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực cho thực hiện các Chương trình phục hồi phát triển KT-XH, triển khai quyết liệt ba Chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí kinh phí cho thực hiện 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp của các ngành, các huyện và thành phố trong hoạt động, năm 2024 ngành KH&CN đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là đối với hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN.
Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học: Đã quản lý 33 đề tài, dự án, trong đó có 32 ĐT/DA cấp tỉnh; 01 ĐT/DA cấp bộ được uỷ quyền quản lý; đã tổ chức thẩm định cấp tỉnh trên 10 nhiệm vụ KH&CN; nghiệm thu cấp tỉnh 08 nhiệm vụ; kiểm tra tiến độ thực hiện trên 20 nhiệm vụ; bàn giao kết quả 05 ĐT/DA đã được UBND tỉnh công nhận cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Công tác quản lý và triển khai các ĐT/DA KHCN được thực hiện đảm bảo đúng quy định, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Trong năm, đã thực hiện triển khai các nhiệm vụ theo hướng phục vụ cho việc phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Đề tài “Bảo tồn, khai thác nguồn gen lợn đen địa phương có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại tỉnh Hà Giang” đã xây dựng được 03 mô hình nuôi lợn nái sinh sản và quy trình thụ tinh nhân tạo cho lợn đen địa phương, quy mô 10 lợn đực, 25 nái đẻ; đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới khắc phục sự cố nứt bể nước sinh hoạt trên địa bàn bốn huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Hà Giang”; đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang”; đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao quả khai thác dịch vụ công (DVC) trực tuyến tỉnh Hà Giang” đã thực hiện thu thập 20.000 câu hỏi, câu trả lời DVC trực tuyến phục vụ việc đánh giá, lựa chọn mô hình, đồng thời thu thập chi tiết toàn bộ thông tin liên quan đến 2.015 DVC trực tuyến theo quy định, triển khai lập trình, cơ bản hoàn thành giao diện chức năng, tính năng Hệ thống chatbot DVC Hà Giang, bản demo chatbot tại https://chatbot.hagiang.gov.vn/chat, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tích hợp chatbot vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Giang (dichvucong.hagiang.gov.vn); dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh Hà Giang” đã xây dựng thành công các quy trình quản lý cần thiết, là hàng rào pháp lý, khoa học để khuyến khích gia tăng giá trị, kiểm soát tốt quá trình phát triển đúng định hướng của tỉnh đối với sản phẩm Chè Shan tuyết chủ lực đã được chứng nhận thương hiệu; dự án "Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh chưng gù Ngọc Đường” cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang" đã đánh giá cụ thể được hiện trạng sản xuất, mô hình kinh doanh sản phẩm Bánh chưng gù Ngọc Đường, phân tích nghiên cứu thị trường và đưa ra các phương án thương mại hóa cho sản phẩm, xác lập quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm (gồm: Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu, hệ thống nhận diện, quảng bá nhãn hiệu thông qua Logo, tem nhãn, bao bì, bài báo và hệ thống truy xuất nguồn gốc được được vận hành); dự án "Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Khẩu mang Đồng Văn” cho sản phẩm gạo Khẩu mang của huyện Đồng Văn"; Dự án "Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Hồi Yên Minh” cho sản phẩm Hồi của huyện Yên Minh" là những dự án SHTT được triển khai nhằm bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường tiêu thụ sản phẩm,...
Đối với công tác quản lý công nghệ và chuyên ngành: Tham gia thẩm định 16 hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, 01 hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Tham mưu UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh hành chính Đồng Văn để đăng ký nhãn hiệu tập thể Sâm khoai Cao nguyên đá Đồng Văn. Đề xuất giải pháp quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; thẩm định, cấp 12 Giấy phép tiến hành công việc bức xạ; Triển khai thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao (Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 15/4/2021 và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 12/01/2021). Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số xanh (PGI) năm 2024 của ngành KH&CN. Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tính toán Chỉ số đổi mới sáng tạo PII-2024...
Công tác thông tin và chuyển giao công nghệ: Duy trì hoạt động thông tin về khoa học công nghệ (KHCN) trên Trang Thông tin của ngành (viết 96 tin, 96 ảnh hoạt động của ngành; đăng tải 456 tin, bài sưu tầm, văn bản) tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; Cập nhật 2.365 cơ sở dữ liệu lên hệ thống thông tin KHCN. Biên mục, đăng tải 7.000 trang tài liệu thuộc danh mục đề tài, dự án giai đoạn 2021 - 2025 vào nguồn cơ sở dữ liệu, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, số lượng lượt người truy cập tăng 10% so với cùng kỳ 2023,…
Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Tổ chức 05 cuộc kiểm tra về đo lường, chất lượng (TC-ĐL-CL) sản phẩm hàng hóa, tổng số cơ sở được tiến hành kiểm tra trong 09 tháng đầu năm là 46 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về TC-ĐL-CL; ghi nhãn hàng hoá, duy trì mã số mã vạch đã đăng ký, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công bố tiêu chuẩn áp dụng. Công tác kiểm định phương tiện đo (PTĐ) thực hiện đúng theo quy định, tổng số PTĐ được kiểm định năm 2024 là 4.303 lượt, đạt 120,5% kế hoạch năm (tăng 733 lượt kiểm định so với dự kiến cả năm 2024). Kết quả kiểm định có 363/4.303 PTĐ không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường (chiếm 8,4%), số còn lại đạt yêu cầu.
Công tác thanh tra: Trong năm 2024, tổ chức 03 cuộc thanh tra: Thanh tra vàng trang sức mỹ nghệ tại 10 cơ sở trên địa bàn huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; Thanh tra về an toàn bức xạ và PTĐ nhóm 2 trong y tế trên địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và Thanh tra về đo lường chất lượng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Hoạt động Quản lý nhà nước (QLNN) về KH&CN cấp huyện: Hội đồng khoa học cấp huyện thường xuyên được kiện toàn và làm tốt chức năng tham mưu, tư vấn trong hoạt động QLNN về KHCN như hướng dẫn; triển khai kịp thời Chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh đến các cơ quan chuyên môn, UBND các xã và Doanh nghiệp, HTX đóng trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã góp phần vào việc phát triển KH&CN, thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh như: Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Kế hoạch 197/ KH-UBND ngày 8/7/2021); Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh (Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 12/01/2021); Kế hoạch triển khai đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy suất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Kế hoạch 129/ KH-UBND ngày 24/9/2019); Kế hoạch Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Kế hoạch số 219/ KH-UBND ngày 18/82022); Kế hoạch thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 16/5/2023 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (Kế hoạch 181/ KH-UBND ngày 7/6/2023); Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu và nâng cao chất lượng cho sản phẩm Mật ong Bạc hà giai đoạn 2024 - 2025 (Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 8/4/2024),…
Với những kết quả hoạt động KH&CN đã đạt được trong năm 2024, trong thời gian tới, năm 2025 - là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2020-2025) thực hiện tổng kết đánh giá kết quả cho toàn giai đoạn, là năm tập trung tổ chức Đại hội đảng các cấp để vạch ra chiến lược phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ 2026 - 2030, trong đó ngành KH&CN đã đề ra mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Năm 2025 tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện 10 Chương trình, Đề án, Kế hoạch lĩnh vực KHCN phục vụ phát triển KT-XH; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN. Đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&CN, Trung ương, tỉnh nhằm đẩy mạnh hơn nữa các kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo trong những năm tiếp theo./.
Nguồn tin: