Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, với vị trí địa lý nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Với những địa danh nổi tiếng như: Cột cờ Lũng Cú, Đèo Mã Pì Lèng, Cổng trời Quản Bạ, hệ thống ruộng bậc thang, những cánh đồng hoa tam giác mạch,… cùng với văn hóa đặc sắc nơi đây như chợ tình Khâu Vai thơ mộng, chợ phiên Mèo Vạc, làng dân tộc H’mông, Lô Lô, Dao…, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa hết sức độc đáo. Hầu hết cư dân sinh sống trong những làng mạc có kiến trúc truyền thống, sử dụng trang phục truyền thống và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày còn mang đậm bản sắc dân tộc tạo tiềm năng thế mạnh để Hà Giang phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho du khách khám phá và trải nghiệm bản sắc văn hóa phong phú trong phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng dân tộc vùng cao.
Xác định phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH và được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong những năm gần đây, du lịch Hà Giang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến những tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Việc tập trung khai thác và phát triển loại hình du lịch này là một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và tổ chức sản xuất thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản như: Cam Sành, chè Shan tuyết, Thảo quả, Hồng không hạt, Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù, bò vàng… Đến nay toàn tỉnh có 152 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 148 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm trà xanh hộp 100gr và hồng trà hộp 100gr của hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, nhiều loại dược liệu quý hiếm mà chỉ ở Hà Giang mới có như: Đỗ trọng, Xuyên khung, Hoàng tinh, Tam thất... Điển hình phải kể đến một số sản phẩm nổi bật – là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh trong phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh như:
Mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái
Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình này, bước đầu đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, góp phần tăng nguồn thu nhập cho các nông hộ. Nông nghiệp sinh thái được đánh giá là có tính đặc thù, dễ khai thác và mang lại hiệu quả cao vì tính độc đáo trong canh tác nông nghiệp của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Mô hình dịch vụ nông nghiệp gắn với du lịch trách nhiệm của hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch trách nhiệm thôn Tha - xã Phương Độ, thành phố Hà Giang là điểm sáng, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, nông dân liên kết. Để khuyến khích các hộ tham gia, HTX đã liên kết chặt chẽ với địa phương để mở các lớp tập huấn nhằm giúp nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa về lợi ích lâu dài khi phát triển du lịch. Trong đó, HTX đặc biệt quan tâm giúp các hộ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống, nâng cao văn hóa ứng xử và cách phục vụ du khách. Đặc biệt, các hộ được tập huấn theo quy trình sản xuất sạch để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo không gian xanh thu hút khách du lịch. Tỉnh cũng hướng tới mô hình nông nghiệp sạch, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thân thiện với môi trường nhằm thu hút du khách.
Mô hình cánh đồng hoa: Hà Giang có nhiều mô hình cho khách du lịch thăm quan như vườn hoa cải tại bãi đá Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; vườn hoa cải tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn; vườn hoa đào tại xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc. Tuy nhiên, ấn tượng đối với khách du lịch nhất là mô hình với cánh đồng hoa Tam giác mạch, đây là loài hoa đặc trưng chỉ có ở vùng Tây Bắc, nhưng đẹp nhất là hoa Tam giác mạch tại Hà Giang, đây cũng là lợi thế trong việc phát triển mô hình nông nghiệp phục vụ khách thăm quan, du lịch và cũng đã có Lễ hội Hoa Tam giác mạch được tổ chức vào tháng 11 hàng năm, thu hút một lượng khách du lịch rất lớn cho tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, các mô hình trồng hoa Tam giác mạch tại thung lũng Sủng Là, mô hình hoa trên Cao nguyên là nơi đá nở hoa cũng là những điểm tham quan nổi bật đối với khách du lịch.
Mô hình ruộng bậc thang: Mô hình này đang thu hút du khách với những quả đồi, ngọn núi như những tòa tháp bậc thang với vẻ đẹp hùng vĩ tạo nên sự khác biệt. Huyện Hoàng Su Phì là một trong những nơi của tỉnh Hà Giang có ruộng bậc thang được coi là đẹp nhất vùng núi phía Bắc Việt Nam, luôn được nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm, nổi bật là vào tháng 4 -6, là mùa nước đổ vô cùng nổi tiếng ở Hoàng Su Phì và đến tháng 9, là mùa lúa chín vàng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Mô hình đồi chè shan tuyết cổ thụ: Mô hình này ở 5 thôn vùng cao thuộc 2 xã ngoại thành Phương Độ, Phương Thiện của thành phố Hà Giang nằm trên sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh. Nơi đây không chỉ giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, hút khách du lịch mà còn sở hữu gần 8.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Với lợi thế này, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang tập trung bảo tồn, khai thác giá trị chè Shan tuyết cổ thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Mô hình thung lũng dược liệu xanh: Mô hình thung lũng thảo dược Nặm Đăm thuộc địa phận huyện Quản Bạ có hệ thống thông tin đầy đủ, các nhà gỗ và các điểm cắm trại phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại vườn như: Nhà tắm lá thuốc; hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000m2; nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3ha… đặc biệt, HTX đã sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao Atiso; cao củ Dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao Hà thủ ô; nước tắm thảo dược…
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0: Một trong những mô hình nông nghiệp thông minh nổi bật có mô hình trồng dâu tây ở thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì hiện đang được đầu tư theo mô hình nông nghiệp thông minh đã giúp cho việc chăm sóc, giám sát cây trồng hiệu quả hơn, giảm bớt được chi phí thuê nhân công. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất các loại nông sản như dưa leo, dưa lưới, cà chua, các loại rau trong hệ thống nhà màng công nghệ cao với diện tích 5000m2, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bộ châm phân dinh dưỡng tự động NextFarm Fertikit 4G bản đặc biệt cài đặt các chế độ tưới, ca tưới theo mùa vụ cho từng cây.
Với một số mô hình nổi bật trên và nhiều mô hình khác đang chờ du khách đến khám phá và trải nghiệm cùng với người dân địa phương trong việc làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang hiện đang trở thành trào lưu thu hút đối với du khách. Những phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang như: Canh tác trên đá, thổ canh trên các hốc đá, các triền đá và trên các vỉa đá của đồng bào tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá; canh tác trên các thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần; trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc H'Mông tại làng Dệt lanh Lùng Tám, Quản Bạ; trồng ngô để nấu rượu ngô men lá tạo nên loại rượu đặc sản; sử dụng hạt của cây hoa Tam giác mạch để chế biến ra loại rượu với hương vị đặc trưng, thu hoạch trà Shan tuyết, cam sành, mật ong Bạc hà…. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp đã hình thành nên các dịch vụ nhà nghỉ homestay của người nông dân tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Đây là một hình thức trải nghiệm thú vị đối với du khách khi được 3 cùng với người dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” cùng sinh hoạt, khám phá bản sắc văn hóa, cùng tham gia trải nghiệm canh tác và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp với người dân địa phương. Loại hình du lịch này không những giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần nâng cao dân trí cho người dân nông thôn trong quá trình giao tiếp với khách du lịch.
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có tại địa phương cùng với ứng dụng khoa học công nghệ đã tham gia đóng góp cùng với sự phát triển du lịch Hà Giang trở thành một ngành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân đem lại nhiều mặt tích cực cho người dân và sự phát triển chung của các địa phương được lựa chọn phát triển du lịch.
Tuy nhiên, các tiềm năng để phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp ở tỉnh Hà Giang chưa thực sự được khai thác một cách tổng thể, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn khách du lịch, sự phối hợp giữa các vùng chưa chặt chẽ, chưa có sự phát triển một cách đồng bộ. Vì vậy, để du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển và hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành gắn với chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy du lịch nông nghiệp; cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu đặc trưng. Bên cạnh đó, lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa du lịch; cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến, mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm,…/.
Nguồn tin: