Ngày đăng: 01/02/2025 14:10:03 / Lượt xem: 321
Xem với cỡ chữ

Phát triển nghề trồng dâu tằm tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Cây dâu tằm có tên khoa học là Morusalba L, có nguồn gốc ở khu vực phía Đông châu Á, là loại cây thân gỗ từ nhỏ đến nhỡ, lớn nhanh, có thể cao tới 15 - 20m. Thông thường tuổi thọ của cây từ 8 - 12 năm, nhưng nếu đất tốt và được chăm sóc tốt, tuổi thọ của cây có thể đạt tới 50 năm.


Về đặc điểm hình thái, thân cành của cây có nhiều nhựa, không gai, phía trên thân cành có nhiều mầm, mầm đỉnh, mầm nách, khi cắt tỉa mầm có khả năng cho bật mầm. Lá có hình bầu dục, thường mọc so le, phần mép lá có răng cưa và hàng năm rụng vào mùa đông. Bộ rễ ăn sâu và rộng từ 2 - 3m nhưng phân bố nhiều ở tầng đất từ 10 - 30cm và rộng theo tán cây. Quả có màu từ trắng đến hồng đối với các loại cây được trồng trọt, nhưng màu quả tự nhiên của loài này khi mọc hoang có màu tía sẫm. Vị của quả dâu tằm nhạt, không đậm đà như các loại dâu khác (dâu đỏ, dâu đen)... Cây dâu tằm được trồng để lấy lá nuôi tằm, dệt vải, các bộ phận khác có thể làm thuốc chữa bệnh, hầu hết các bộ phận của cây dâu tằm đều có vị thuốc quý, kể cả những thứ bám vào cây dâu (như tầm gửi, tổ bọ ngựa, sâu dâu...).

Trồng dâu nuôi tằm là nghề thủ công truyền thống lâu đời, được nông dân ở nhiều nơi giữ gìn và duy trì, góp phần giải quyết một phần nhu cầu may mặc cho người dân. Đây là nghề có nhiều tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao, chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao. Trồng dâu nuôi tằm nhanh có lợi nhuận, sản lượng thu hoạch thường xuyên trong năm và cần có sự chăm chút chu đáo của người nuôi, nên chỉ phù hợp với lao động nông nhàn. Cây dâu sinh trưởng phát triển tốt trên nhiều loại đất, chỉ sau 4 - 6 tháng trồng có thể thu hoạch lá, 01 lần trồng có thể cho thu nhập từ 15 - 20 năm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm phổ biến tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là một số địa phương vùng Tây Nguyên và phía Đông Bắc Bộ, nổi bật là một số tỉnh như: Lâm Đồng, Sơn La, Yên Bái,… phát triển mạnh, đã đóng góp quan trọng vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết nhu cầu về việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm ở nước ta còn khó khăn do việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất trùng tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng phục vụ sản xuất. Trứng giống tằm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Mặt khác, kỹ thuật nuôi tằm còn hạn chế, nhiều hộ chưa có kinh phí đầu tư vào hệ thống nuôi theo tiêu chuẩn, chỉ dựa vào kinh nghiệm nên tằm dễ chết, sản lượng kén thấp. Ngoài ra, diện tích dâu tằm nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch, lực lượng tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nông dân, quy mô sản xuất nhỏ, không có quy hoạch tổng thể hay chương trình phát triển lâu dài,… Vì vậy, để trồng dâu nuôi tằm phát triển, cần xây dựng các mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nguyên liệu cho sản xuất nguyên liệu tơ tằm phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Nhằm mục đích đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo thêm việc làm, từng bước hình thành làng nghề truyền thống, giúp tăng thu nhập cho người dân. Trước thực tế đó, tại huyện Bắc Quang (các xã: Đồng Yên, Vô Điếm, Quang Minh, Việt Vinh) tỉnh Hà Giang đã thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, theo đánh giá ban đầu, con tằm thích nghi tốt với điều kiện, khí hậu tại huyện Bắc Quang, bước đầu đã giúp người dân tận dụng được đất đai, sức lao động và đã có thu nhập ổn định. Vì vậy, các địa phương khác có khí hậu tương tự (như: huyện Vị Xuyên, Quang Bình, thành phố Hà Giang,…) đều có thể trồng thử nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển nghề thủ công truyền thống này, nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Người dân có thể áp dụng việc trồng dâu, nuôi tằm với một số kỹ thuật sau (có sử dụng tài liệu tham khảo từ trang congdanso.yenbai.gov.vn; tttt.ninhbinh.gov.vn):

Chọn đất: Cây dâu tằm là cây dễ trồng, có khả năng thích ứng tốt với nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên để có năng suất chất lượng lá tốt và kéo dài chu kỳ kinh doanh, cần chọn đất có bề dày tầng canh tác >1m, có độ pH từ 6,5 - 7,0. Tuy nhiên cây dâu có khả năng thích ứng với đất có độ pH từ 4,5 - 9,0. Ta nên chọn đất dễ thoát nước, không bị ngập úng và đất trồng dâu nên trồng tập trung để tiện chăm sóc, thu hái, vận chuyển. Vì có thể trồng trên các loại đất khác nhau nên ta có thể trồng trên đất bãi ven sông, suối, đất vườn đồi, đất thung lũng, đất trồng màu kém hiệu quả.

Chuẩn bị đất và làm đất: Trước khi trồng ta tiến hành cày, cuốc cho đất tơi xốp, gom sạch đá, sỏi, cỏ dại. Trồng theo hàng đồng mức đối với đất đồi, theo hướng nước chảy của sông, suối đối với đất ven sông, suối. Tiến hành đào rãnh, rạch hàng với kích thước rộng từ 0,3 - 0,4m, trồng theo hàng cách hàng từ 1,2 - 1,3m rãnh sâu 40cm, rộng 40cm, trồng theo hố có kích thước hố 40 x 40 x 40cm.

Phân bón lót: Tiến hành bón lót phân vào đáy rãnh, đáy hố với lượng bón từ 25 - 30 tấn phân chuồng hoai mục + 800kg lân + 270kg kali/ha, nếu đất chua bón thêm 1 tấn vôi và lấp kín đất. Nên thực hiện trước khi trồng khoảng từ 25 - 30 ngày.

Nhiệt độ và ánh sáng: Cây sinh trưởng và phát triển thích hợp ở nhiệt độ từ 24 -320C, khi nhiệt độ trên 400C một số bộ phận của cây dâu sẽ bị chết, nhiệt độ không khí tăng trên 120C thì cây dâu bắt đầu nảy mầm. Là loại cây trồng ưa ánh sáng, năng suất chất lượng lá có quan hệ mật thiết với điều kiện chiếu sáng. Số giờ chiếu sáng từ 10 - 12 giờ/ngày là tốt nhất. Thiếu ánh sáng lá dâu sẽ mỏng, thân mềm yếu, chất lượng lá kém.

Nước và ẩm độ không khí: Là cây trồng tương đối chịu hạn, nhưng nếu thiếu nước thì cây sẽ ngừng sinh trưởng. Trung bình cứ 100cm2 lá trong một giờ sẽ phát tán 1,8 gam nước, điều này chứng tỏ cây dâu tằm có nhu cầu nước rất lớn, độ ẩm thích hợp cho cây dâu sinh trưởng từ 70 - 80%.

Chọn giống: Nên chọn các giống dâu địa phương (Dâu Bầu, Hà Bắc, Quang Biểu, Dâu Đa, Dâu Gỗ) hoặc giống dâu tam bội thể (Số 7, số 12, số 11, số 28, số 36…) hay các giống dâu lai (VH9, VH13, VH15) hoặc có thể chọn các giống dâu nhập nội từ Trung Quốc (như: Sha nhị luân, Hà số 7, Quế ưu, QĐ5).

Tiêu chuẩn chọn giống: Đối với cây giống, tuổi cây trong vườn ươm 60 - 70 ngày trở lên, chiều cao cây trên 30cm, đường kính thân từ 0,2cm trở lên, không bị sâu bệnh, không lẫn giống. Đối với hom giống, hom được lấy ở cành từ 8 - 12 tháng tuổi, không sâu bệnh, không lẫn giống, đường kính cành từ 0,6 - 1cm, hom dài 20 - 30cm, có từ 3 mắt trở lên.

Chuẩn bị cây, hom giống và trồng: Chọn cây có đương kính gốc 0,4cm, từ 6 - 7 tháng tuổi trở lên, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh. Chọn hom 1 năm tuổi có đường kính 1-1,2cm, chiều dài 18-22cm, mỗi hom có ít nhất 3 mầm ngủ. Phía trên và dưới hom đều chặt sát mầm.

Thời vụ trồng: Có thể trồng dâu tằm kéo dài quanh năm, nhưng tốt nhất ta nên trồng vào vụ xuân (tháng 2 - 4) và vụ thu (tháng 7 - 9) đối với trồng bằng cây con. Thời vụ trồng dâu bằng hom tốt nhất vào trung tuần tháng 12 đến tháng 01 năm sau vì đây là thời điểm cây ngủ đông, nên hom giống có chất lượng tốt nhất, khi trồng xong có mưa xuân rất thuận lợi cho dâu nảy mầm, tỉ lệ sống cao.

Mật độ trồng: Có thể áp dụng khoảng cách hàng cách hàng từ 1,1 - 1,5m; cây cách cây khoảng từ 0,2 - 0,3m, khoảng 42.000 cây/ha. Ở đất dốc, để tăng độ phì nhiêu cho đất và chống xói mòn, giữa các hàng dâu ta nên trồng các loại cây như cây họ đậu, cây che phủ (đậu mèo Thái Lan, cốt khí...) trồng bằng hom cắm xiên góc 60°.

 Kỹ thuật trồng:

Đối với trồng bằng cây con: Mỗi gốc từ 1 - 2 cây (nếu trồng 2cây/gốc thì khoảng cách giữa hai cây là 5 cm). Khi trồng giữ cho cây thẳng, không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân, nếu rễ cây dài quá có thể cắt ngắn chỉ để dài từ 10 - 15cm, sau đó lấp đất kín và nén chặt đất xung quanh gốc. Tưới nước ngay sau khi trồng xong.

Đối với trồng bằng hom: Hom dâu được chặt dài hơn, đặt hom nằm liên tiếp gối nhau, lấp một lớp đất vụn dày 1 - 2cm, tưới phun nhẹ lên hàng dâu mới trồng; đối với chân đất có mực nước ngầm sâu, cắm hom vuông góc với mặt đất, vun đất, rồi tưới nhẹ; hoặc có thể trồng bằng cách cắm hom nghiêng 45o.

Chăm sóc cây sau khi trồng:

Làm cỏ: Tùy điều kiện từng nơi có thể làm cỏ gốc 6 lần, cỏ giữa hàng 2 lần kết hợp với việc dùng thuốc trừ cỏ như: Gramoxone, Roundup,…nên phun vào lúc cỏ đang phát triển, lúc trời nắng và xới xáo gốc 1-2 lần/năm.

Bón phân: Phân hữu cơ chủ yếu bón trước hoặc sau khi thu hoạch 15 ngày với liều lượng bón hàng năm khoảng 15 - 20 tấn. Phân vô cơ với lượng phân nguyên chất 400kg N-160kg P2O5-160kg K2O bón cho dâu cần chia làm nhiều lần để tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Sau khi bón phân, nếu có điều kiện, nên tưới nước 1-2 lần để cây dễ hấp thụ.

Ta nên thường xuyên phá xới váng mặt đất, để dâu nhanh nảy mầm. Sau 3 tháng trồng, rễ dâu đã phát triển mạnh, ta cần bón thúc từ 2 - 3kg urê/sào; sau khi trồng 6 - 7 tháng ta bắt đầu hái lá nuôi tằm năm thứ 2, sản lượng đạt khoảng 80%; năm thứ 3 sản lượng ổn định; sau mỗi lứa hái, bón thúc theo tỷ lệ 5kg phân urê + 3kg phân lân + 3kg phân kali/sào/lần. Sau khi đốn, cần bón phân hữu cơ với lượng bón từ 15 - 20 tấn/ha.

Đốn dâu: Để cây dâu sinh trưởng và phát triển tốt, cần phải đốn dâu vào 2 thời vụ.  Đốn vào tháng 12 và tháng 1 dương lịch hàng năm để lấy lá nuôi tằm xuân muộn trở đi; đốn vào đầu tháng 5, lấy lá nuôi tằm cuối vụ hè và vụ thu.

Phương thức đốn: Cần đốn sát gốc cách mặt đất từ 2 - 3cm, sau đốn nên vệ sinh đồng ruộng và bón thúc; đốn phớt cành vụ đông, kích thích cây nảy mầm sớm để nuôi tằm vụ xuân, sau đó đốn sát vào vụ hè; lưu ý, ta không đốn sát vụ hè đối với dâu tằm trồng ven sông, suối hàng năm bị ngập, lụt.

Phòng trừ sâu bệnh:

Cây dâu thường bị mắc một số bệnh như: Bệnh bạc thau vào vụ xuân; bệnh cháy lá, gỉ sắt, xoăn lá vào vụ hè.

Sâu hại dâu: Có một số loại thường hại cây dâu là sâu đục thân, bọ gạo, sau cuốn lá, rệp, sâu róm, sâu đo xanh và một số loại rầy rệp, truyền bệnh virut xoăn lá.

Vì vậy, ta cần hái lá kịp thời, sau đó vệ sinh đồng ruộng. Nếu cây dâu bị hại nặng dùng Bi58 1/1000 (1 phần thuốc 1000 phần nước), hoặc Dipterex 1/500 - 1/1000 phun lên lá. Sau khi phun khoảng 15 ngày ta có thể hái lá cho tằm ăn.

Thu hoạch dâu:

Phương pháp hái lá: Thu hoạch lá dâu theo lứa tằm nuôi trong năm. Chọn lá theo đúng yêu cầu của tằm và ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, giảm tỷ lệ sâu bệnh, tốn công lao động. Đối với 1 lô dâu, tập trung thu hái trong khoảng từ 7 - 10 ngày, không nên kéo dài tránh ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vườn dâu. Hái dâu cho tằm ăn tốt nhất vào 8 - 10 giờ sáng, không nên hái quá sớm hoặc buổi trưa.

Phương pháp thu hoạch bằng cách cắt cành: Ít tốn công lao động, làm cho tươi dâu, dễ bảo quản, làm cho khoảng cách giữa các lứa nuôi dài hơn và có thời gian để chăm sóc. Phương pháp cắt cành chỉ nên áp dụng cho những vùng đất tốt, những hộ gia đình có điều kiện thâm canh cao.

Bảo quản lá dâu: Nên xếp theo lớp, bảo quản lá dâu ở nơi khô ráo, thoáng mát trong sọt, thùng xốp, hoặc giữ ẩm bằng cách phủ vải thấm nước (không phủ bằng nilon), cứ 2 - 4 giờ đảo một lần nhằm giúp lá dâu tươi lâu, đảm bảo chất dinh dưỡng cho tằm ăn. Phòng bảo quản lá dâu phải thoáng mát, có cửa thông gió để giảm nhiệt độ của phòng.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 4/2024

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...

EMC Đã kết nối EMC