Mướp đắng rừng có tên khoa học là Momordica charantia.L thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Trên thế giới, Chi Momordica có khoảng 45 loài phân bố ở khắp các châu lục. Ở Việt Nam, Mướp đắng đã biết đến và gieo trồng từ rất lâu, đây vừa là rau vừa là loại thuốc quý, chính vì vậy mướp đắng có mặt ở khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm mướp đắng được sản xuất ở các địa phương này là các giống mướp thương mại.
Cây Mướp đắng rừng là một loài dây leo mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, quả của loài cây này ăn được và có vị đắng đặc trưng. Mướp đắng rừng là một giống hoang dã, tuy nhiên thân, lá và trái của Mướp đắng rừng nhỏ hơn. Tác dụng chữa bệnh của cây Mướp đắng rừng được quy định bởi hoạt tính sinh học của các hợp chất hoá học có trong thành phần dược chất của cây. Mỗi thành phần hoá học có hoạt tính sinh học khác nhau, nhóm phenolic là hợp chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng liên quan tới nhiều chức năng của cơ thể và các bệnh lý như não, tim mạch, viêm khớp, tiểu đường,... Theo nhiều nghiên cứu, nhóm chất này cũng có khả năng kháng nhiều dòng vi khuẩn khác nhau. Nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng Mướp đắng rừng là loại cây rất giàu khoáng chất bao gồm kali, canxi, kẽm, magiê, phốt pho và sắt, một lượng cao vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B1, B2 và B3, cũng như vitamin B9 và là một nguồn chất xơ. Giá trị chữa bệnh của mướp đắng rừng có được là nhờ tính chống oxy hóa cao và một phần do phenol, flavonoid, isoflavones, tecpen, anthroquinones và glucosinolates, tất cả các chất đó tạo nên vị đắng đặc trưng cho mướp đắng.
Những nghiên cứu trên đã giúp chúng ta có một số dấu hiệu đặc trưng để có thể dễ dàng phân biệt được Mướp đắng rừng và Mướp đắng thường (sản xuất thương mại làm rau ăn), gồm: Về mặt hình thái (thân, lá, hoa và quả) đều nhỏ hơn Mướp đắng thường; về dược tính (khoáng chất, vitamin, các hợp chất phenol, flavonoid, isoflavones, tecpen, anthroquinones, và glucosinolates) của Mướp đắng rừng cao hơn so với Mướp đắng thường (có thể nhận biết một cách nhanh nhất bằng cảm quan thông qua vị đắng hơn khi sử dụng). Ở nước ta, theo số liệu thống kê của Trung tâm Rau thế giới, diện tích Mướp đắng của Việt Nam đạt 12.000ha và những năm gần đây tăng lên đáng kể vì lợi nhuận kinh tế từ việc trồng khá cao (gấp 4 lần so với việc trồng lúa). Mướp đắng gồm có 02 nhóm giống là nhóm giống Mướp đắng thường (thương mại) thường được sản xuất tập trung ở khắp các nơi trong cả nước, nhằm mục đích làm rau ăn hàng ngày và nhóm giống Mướp đắng rừng được trồng phổ biến ở các địa phương có núi cao và chủ yếu được dùng để sản xuất làm dược liệu.
Các nghiên cứu về đặc điểm dược học cây Mướp đắng rừng cho thấy: Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu đã phân tích thành phần sinh hóa và dược tính của quả mướp đắng. Trong đó, phải kể đến nghiên cứu của Jorge và cộng sự năm 1994 đã phân tích quả mướp đắng và thấy lượng chất có trong 100g phần ăn được là Vitamin B1: 0,18mg, B2 0,2mg, C: 13mg, PP: 3,72 mẫu giống, E: 18,7 mẫu giống, β-caroten: 0,56mg. Nghiên cứu của Med Res năm 1960 thực hiện ở 18 người tiểu đường loại II, cho kết quả thành công 73% khi dùng nước ép mướp đắng, người sử dụng nước ép mướp đắng làm giảm 54% lượng đường sau bữa ăn và giảm 17% lượng hemoglobin A1C ở 6 bệnh nhân dùng 15g dịch chiết Mướp đắng. Một thử nghiệm khác tại trường Đại học Calcutta (Ấn Độ) trên 6 bệnh nhân tiểu đường loại II uống mỗi ngày một lần 100ml nước sắc quả mướp đắng tươi, sau 3 tuần, lượng đường huyết giảm 54% và sau 7 tuần đường huyết trở lại bình thường. Theo Bortolotti và cộng sự, mướp đắng cũng đã được sử dụng trong một loạt các ứng dụng y tế, trong đó bao gồm điều trị bệnh T2DM (bệnh đái tháo đường tuýp 2), tăng huyết áp, béo phì, ung thư, nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, và thậm chí cả AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Một số nghiên cứu khác ở Ấn Độ cho thấy Mướp đắng là một loại rau có giá trị, các tài liệu dịch tễ học đã chỉ ra rằng có mối tương quan trực tiếp giữa chế độ ăn nhiều quả mướp đắng với việc giảm nguy cơ phát triển các bệnh cấp tính và mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, nhiễm độc gan.
Các nghiên cứu về khả năng chống oxy hóa: Mướp đắng rừng có thể hoạt động như một nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên do sự hiện diện của các hợp chất phenolics và polyphenolics trong quả và hạt của cây, nó có thể hoạt động như một chất thay thế cho các chất chống oxy hóa tổng hợp để làm giảm sự suy giảm oxy hóa trong cơ thể con người. Tùy theo các giai đoạn trưởng thành khác nhau, mướp đắng chứa 14 loại carotenoid khác nhau, cryptoxanthin trong lục lạp quả chưa chín và chromoplast trong quả chín. Hợp chất phenolic là nguồn chống oxy hóa tự nhiên rất tốt giúp giảm cholesterol, huyết áp và giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch. Một trong những chất chống oxy hóa và loại bỏ gốc tự do hiệu quả nhất từ mướp đắng rừng là Flavonoid (chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cơ thể khỏe mạnh và có khả năng giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, giúp điều chỉnh hoạt động của tế bào và chống lại các gốc tự do gây ra stress oxy hóa, giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn,...). Người ta cũng tìm thấy Hợp chất saponin (là chất có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, giảm mỡ máu, bảo vệ gan, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm...) trong vị đắng của mướp đắng là vị thuốc có chứa hàm lượng chất Charantin (là hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, như dạng insulin) và nhiều dưỡng chất có lợi ích cho cơ thể...
Ở Việt Nam, trước đây việc nghiên cứu và sử dụng mướp đắng gắn với Y học cổ truyền phương Đông, các bộ phận khác nhau của cây mướp đắng đều được sử dụng với những mục đích khác nhau. Lá và hoa thường được dùng làm trà để trị đau dạ dày, tắm và làm giảm bệnh rôm sảy (viêm da) ở trẻ em. Toàn bộ cây mướp đắng đều được dùng chữa bệnh tiểu đường và kiết lỵ. Rễ đã được sử dụng để điều trị các khối u, vết thương và bệnh thấp khớp và được cho là có đặc tính kích thích tình dục. Quan trọng hơn, cây mướp đắng ngày càng được ưa chuộng dùng làm thuốc điều hòa máu.
Thời gian gần đây, có một số nghiên cứu khoa học năm 2023, 2024 về cây Mướp đắng rừng của một số tác giả nghiên cứu điển hình về lĩnh vực này như: Đỗ Huy Bích và cộng sự nghiên cứu đã xác định: Mướp đắng có vị đắng, tính hàn, không độc, được trồng ở khắp nơi để lấy trái ăn và chữa một số bệnh như đái tháo đường, loét dạ dày, mụn nhọt, giải nhiệt, sáng mắt, giảm đau,… và một số bệnh khác. Các nghiên cứu gần đây của tác giả Võ Thị Bích Ngọc và cộng sự về tính kháng khuẩn của cao chiết từ mướp đắng rừng, chỉ ra rằng: Mướp đắng rừng là một nguồn giàu thành phần hoạt tính với nhiều chất chuyển hóa thứ cấp của flavonoid, alkaloid và steroid có hoạt tính kháng vi sinh vật. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai và cộng sự về việc điều chế viên nang Mướp đắng rừng để giúp hạ đường huyết đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Trần Nguyễn Phương Lam và cộng sự đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: Có sự khác biệt rõ rệt về hàm lượng phenolic và flavonoid tổng số giữa các bộ phận của cao chiết xuất từ cây Mướp đắng rừng: Hàm lượng phenolic tổng số trong quả (36,97mg/g) cao hơn so với trong thân và lá (tương ứng là 25,86 và 21,49 mg/g). Tuy nhiên, hàm lượng flavonoid tổng số trong lá lại đạt cao nhất (136,27mg/g) so với các bộ phận thân và quả (lần lượt là 64,08 và 48,47mg/g). Nghiên cứu của Trần Nguyễn Phương Lam và cộng sự cũng cho thấy: Cao chiết xuất quả Mướp đắng rừng có khả năng kháng gốc tự do DPPH (EC50 = 4310,15 µg/mL) và khử sắt (EC50 = 339,17 µg/mL), đồng thời có thể kháng ở các nồng độ cao trích khác nhau đối với 5 loại vi khuẩn P. aeruginos, S. aureus, B. subtilis, B. cereus và L. innocua.
Các nghiên cứu về việc lưu giữ và bảo tồn nguồn gen Mướp đắng rừng cho thấy: Năm 2016 tác giả Phan Đặng Thái Phương và cộng sự đã tiến hành thu thập, lưu giữ và đánh giá 9 dòng mướp đắng rừng tại Bình Phước làm vật liệu cho công tác lai tạo sau này. Qua đánh giá, xác định được 01 nguồn gen có tiềm năng năng suất và chất lượng tối ưu có thể đưa vào sản xuất. Năm 2022, nghiên cứu về đặc điểm nông sinh học và đa dạng di truyền của các mẫu Mướp đắng rừng tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, các tác giả Bùi Thị Xuân và cộng sự đã thu thập, lưu giữ và được 12 mẫu giống, kết quả đánh giá là nền tảng cho công tác chọn giống sau này.
Ở Hà Giang, từ năm 2018 huyện Xín Mần đã mở rộng diện tích trồng mướp đắng rừng lên trên 11ha và cho nhiều kết quả cao, điển hình như đảng viên Vàng Seo Khương, thôn Nàn Lũng, xã Nàn Ma đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng ngô lâu năm của gia đình sang trồng Mướp đắng rừng, một sản phẩm OCOP của huyện mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, được nhiều người dân làm theo. Hộ gia đình anh Vàng A Tường ở thôn Táo Thượng, xã Bản Ngò là một trong những hộ tiên phong trồng 2.000m2 mướp đắng rừng có thu nhập hơn 20 triệu đồng từ vụ đầu tiên, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Cùng thôn Táo Thượng, hộ gia đình bà Vàng Mỳ Chiêm trước đây trồng ngô, lúa nhưng năng suất bấp bênh do không chủ động được nguồn nước tưới cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng Mướp đắng rừng với diện tích hơn 1.000m2. Bản Ngòi là một trong 08 xã thí điểm trồng mướp đắng rừng trên địa bàn huyện Xín Mần, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến cây mướp đắng rừng với công nghệ sấy lạnh. Các sản phẩm được chế biến từ mướp đắng rừng ở huyện đã được sản xuất gồm có trà khổ qua túi lọc, trà khổ qua rừng thái lát và quả khổ qua rừng nguyên chất. Mướp đắng rừng trồng ở huyện Xín Mần cho năng suất khá ổn định, đạt 4-5 tấn/ha. Sau khi bán quả tươi với mức giá trên 20.000 đồng/kg, khi hết quả thì tận dụng bán thân và lá phơi khô với mức giá trên 30.000 đồng/kg bà con có nguồn thu 100-120 triệu đồng/ha/vụ...
Mặc dù cây Mướp đắng rừng đã được trồng thành công tại tỉnh ta từ lâu với diện tích lớn, một mặt đã cho sản lượng thu hoạch và sản lượng tiêu thụ cao, mặt khác cũng đã phát huy được những lợi ích của loài cây này đặc biệt là về đặc điểm dược học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có những nghiên cứu khoa học cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý tại tỉnh Hà Giang, qua đó xây dựng các mô hình sản xuất và công bố lưu hành giống Mướp đắng rừng Hà Giang nhằm lưu giữ nguồn gen quý và nhân rộng diện tích trồng tại tỉnh Hà Giang.
Trước thực tế trên, ngày 26/9/2024 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 1249/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 07/6/2023 của UBND tỉnh... về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Quyết định phê duyệt 03 nhiệm vụ KH&CN trong đó có đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn phát triển nguồn gen Mướp đắng rừng (Momordica charantia.L ) tại Hà Giang”. Đề tài sẽ được triển khai thực hiện bắt đầu từ cuối năm 2024 đến cuối năm 2027 kết thúc, nhiệm vụ do Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chủ trì triển khai thực hiện. Mục tiêu tổng quát của đề tài là xây dựng cơ sở khoa học làm nền tảng cho việc khai thác phát triển hàng hóa các sản phẩm từ quả Mướp đắng rừng Hà Giang. Nội dung đề tài bao gồm 05 mục tiêu cụ thể gồm: Điều tra đánh giá đặc điểm nông sinh học của Mướp đắng rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang; chọn lọc, bảo tồn nguồn gen giống Mướp đắng rừng; xây dựng mô hình hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống, trồng và chăm sóc thâm canh nguồn gen quý Mướp đắng rừng; xây dựng mô hình hỗ trợ trồng mới, nhân rộng giống Mướp đắng rừng; đào tạo, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh nguồn gen quý Mướp đắng rừng. Các nội dung chính triển khai thực hiện đề tài gồm: Điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất, phân bố, đặc điểm nông sinh học các dòng Mướp đắng rừng tại Hà Giang; xây dựng vườn bảo tồn các nguồn gen Mướp đắng rừng tại Hà Giang; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống, trồng và chăm sóc Mướp đắng rừng tại Hà Giang; xây dựng mô hình sản xuất và công bố lưu hành đặc cách giống Mướp đắng rừng Hà Giang.
Hy vọng trong thời gian tới, khi đề tài được triển khai thực hiện, tỉnh Hà Giang sẽ có thêm một công trình nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn phát triển nguồn gen Mướp đắng rừng, làm phong phú thêm kho dược liệu quý giá mang nét đặc trưng riêng của tỉnh Hà Giang, phát huy tối đa công dụng của loài cây có tính dược học cao trong điều trị các loại bệnh thông thường và là tiền đề cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn về dược học trong tương lai, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, là mục tiêu xuyên suốt mà ngành y tế luôn hướng tới. Bên cạnh đó, đề tài sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, đất canh tác, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phảm, đảm bảo giá trị sản phẩm tăng từ 10-15% trở lên. Nâng cao giá trị lao động của người sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững, kéo theo các hoạt động tích cực về mặt xã hội. Về mặt môi trường, đề tài nghiên cứu các quy trình sản xuất đi đến tiết kiệm tài nguyên, sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, giảm tác động xấu từ các nguồn đầu vào độc hại,… có tác động tích cực đến môi trường sống và đến sức khỏe con người../.
Nguồn tin: