Huyện Hoàng Su Phì là một trong những vùng có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của tỉnh Hà Giang. Đậu tương Hoàng Su Phì, nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng đã được biết đến từ lâu, những năm qua, cây đậu tương luôn được coi là một trong những cây trồng mang tính chiến lược góp phần xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Đậu tương là cây dễ trồng, hạt đậu tương là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, vừa làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi. Là cây trồng chiếm diện tích lớn, điều đó cho thấy cây đậu tương có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã Tân Tiến, Sán Xả Hồ, Pờ Ly Ngài, Pố Lồ, Nậm Khòa, Chiến Phố.
Đậu tương Hoàng Su Phì đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) theo Quyết định số 72697/QĐ-SHTT, ngày 08/9/2020. Đây là kết quả của dự án Xây dựng NHCN "Đậu tương Hoàng Su Phì" cho sản phẩm đậu tương của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoàng Su Phì chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng cả về việc quy hoạch vùng trồng đến xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Xuất phát từ thực tế trên, trong năm 2023, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã giao cho Sở KH&CN, UBND huyện Hoàng Su Phì phối hợp với Viện Kinh tế và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án "Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Đậu tương Hoàng Su Phì” cho các sản phẩm đậu tương của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang", là dự án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong phát triển sản xuất, thương mại và nâng tầm thương hiệu đậu tương của huyện Hoàng Su Phì.
Dự án thực hiện các mục tiêu: Đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng và phát triển NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”; đánh giá nhu cầu thị trường về các sản phẩm đậu tương mang NHCN; tạo lập và hoàn thiện đăng ký các sản phẩm mang NHCN gắn với giao dịch và truy xuất nguồn gốc điện tử trên Cổng thông tin điện tử Hà Giang Trace; hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất và chế biến các sản phẩm đậu tương mang NHCN; nâng cao năng lực của người sản xuất và chế biến đậu tương trong sử dụng và quản lý NHCN, giao dịch và truy xuất nguồn gốc điện tử, quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm đậu tương và kỹ năng kinh doanh kết nối thị trường; xây dựng giải pháp quản lý và phát triển NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì” phù hợp với thực trạng sản xuất và thị trường. Trên cơ sở nhiệm vụ được xây dựng, đơn vị chủ trì đã tiến hành khảo sát thực trạng phát triển sản xuất, quản lý, sử dụng, phát triển NHCN đối với 70 hộ gia đình sản xuất, chế biến đậu tương và tiến hành phân tích số liệu, viết báo cáo khảo sát sản xuất, tiêu thụ và quản lý NHCN Đậu tương Hoàng Su Phì, đồng thời khảo sát đối với 70 người tiêu dùng là khách du lịch trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Sau thời gian triển khai thực hiện, ban chủ nhiệm dự án đã đánh giá thực trạng phát triển sản xuất đậu tương gắn với NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì” và quản lý, sử dụng, phát triển NHCN. Đến nay, NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì” mới được cấp quyền sử dụng cho duy nhất 01 đơn vị là HTX Nông nghiệp và Thương mại (NN&TM) Ngài Thầu chế biến đậu tương trên địa bàn xã Chiến Phố. Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương, khả năng tiêu thụ còn hạn chế, quy trình chế biến đậu tương khô và bột đậu nành còn rất đơn giản, chưa có tiêu chuẩn về nhiệt độ, thời gian, phương pháp chế biến cụ thể, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đạt được yêu cầu của một số doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng ở các thị trường khó tính. Điều này dẫn tới tính cạnh tranh của các sản phẩm đậu tương mang NHCN không cao. Bên cạnh đó, các kiểm nghiệm đối với các sản phẩm mang NHCN đến nay cũng đã hết hạn theo quy định để các cơ sở đảm bảo công bố chất lượng, dẫn tới các sản phẩm mang NHCN chưa hoàn chỉnh về hồ sơ quản lý. Điều này cũng làm hạn chế tính lan toả của NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”. Về bao bì, mẫu mã của các sản phẩm Đậu tương Hoàng Su Phì, nhìn chung, người tiêu dùng và du khách du lịch chưa đánh giá cao về các tiêu chí hình thức, thông tin trên bao bì sản phẩm, điều này cho thấy các sản phẩm đậu tương mang NHCN chưa tạo được nhu cầu lớn trong quyết định lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.
Vì vậy, cần đẩy mạnh quản lý và phát triển NHCN Đậu tương Hoàng Su Phì, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong việc quản lý NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”. Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức 01 Hội thảo về quản lý, sử dụng, phát triển NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì” và 01 Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển thị trường “Đậu tương Hoàng Su Phì”. Qua đó, đã chỉ ra những khó khăn trong hoạt động quản lý và phát triển như theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc sử dụng NHCN, giao quyền sử dụng NHCN cho các cơ sở, đơn vị chế biến do sản phẩm đậu tương trong thời gian gần đây kém phát triển, chưa thu hút được các đơn vị tham gia sơ chế, chế biến. Ngoài ra, chuyên gia trong nhóm dự án cũng trình bày các mô hình quản lý và phát triển NHCN trong và ngoài nước làm ví dụ cho các hoạt động quản lý và phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tại Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển thị trường “Đậu tương Hoàng Su Phì”, đại diện HTX NN&TM Ngài Thầu cũng đã trình bày kết quả sản xuất kinh doanh của HTX, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, chế biến và sử dụng NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”... Trên cơ sở đó, đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp khác nhau trong việc phát triển thị trường cho các sản phẩm đậu tương mang NHCN, phát triển các sản phẩm mới như sữa đậu nạnh, đậu nành snack, đậu nành lên men,… các hoạt động marketing trên các sàn thương mại điện tử, kết nối các kênh phân phối đa dạng cũng như hoàn thiện và nâng cấp quy trình chế biến các sản phẩm đậu tương đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, tạo lập và hoàn thiện đăng ký cho các sản phẩm đậu tương mang NHCN trên Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm Hà Giang (Hà Giang Trace) gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử. Các hộ trồng đậu tương trong HTX cùng các hộ liên kết đã được hướng dẫn cách tạo lập tài khoản và sử dụng ứng dụng nhật ký điện tử trên Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với việc phát triển NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”, dự án đã Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm đậu tương mang NHCN (Đậu tương khô, Bột đậu nành). Tiến hành khảo sát hoạt động sản xuất, quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm đậu tương mang NHCN tại các cơ sở đang được sử dụng NHCN kết hợp với HTX NN&TM Ngài Thầu, dự án đã khảo sát toàn bộ quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đậu tương đến hoạt động sơ chế, chế biến; quy trình sản xuất 02 sản phẩm mang NHCN mà HTX đăng ký sử dụng gắn với NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”. Qua đó, dự án, HTX đã chỉ ra điểm yếu của các quy trình sản xuất, gắn với các phân tích về thị hiếu của người tiêu dùng, yêu cầu của các đối tác thị trường nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm đậu tương mang NHCN: Trên cơ sở đánh giá hiện trạng quy trình sản xuất 02 sản phẩm Đậu tương khô, Bột đậu tương (Bột mầm đậu nành) của HTX NN&TM Ngài Thầu gắn với NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì”, nhóm nghiên cứu cùng cán bộ quản lý HTX đã tham vấn các chuyên gia về chế biến thực phẩm và hoàn thiện quy trình sản xuất cho 02 sản phẩm này theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng và các đối tác thị trường, sản phẩm đã được công nhận bởi Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo quyết định số 53/QĐ-HVN-VKT ngày 26/09/2024.
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm dự án đã thiết kế các phương tiện truyền thông quảng bá sản phẩm: Đã hỗ trợ HTX NN&TM Ngài Thầu đăng ký, tạo lập và hoàn thiện các thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử trên Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm với mã QR trên bao bì sản phẩm. Dự án cũng đã hỗ trợ HTX hoàn thiện bao bì sản phẩm nêu bật thương hiệu của NHCN “Đậu tương Hoàng Su Phì” gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử. Bên cạnh đó, dự án cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và HTX NN&TM Ngài Thầu hỗ trợ thiết kế, sản xuất và xây dựng Pano quảng bá cho NHCN Đậu tương Hoàng Su Phì và HTX NN&TM Ngài Thầu tại ngã ba Thông Nguyên, Km17, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì. Đây là địa điểm nằm trên tuyến đường kết nối giữa huyện Hoàng Su Phì với quốc lộ QL2, là ngã ba kết nối các khu vực trong huyện, là điểm thu hút sự chú ý của người dân trên địa bàn cũng như khách du lịch để tăng tính lan toả của thương hiệu “Đậu tương Hoàng Su Phì”. Đồng thời, sản phẩm đậu tương này cũng đã được truyền thông, quảng bá trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang. Qua đó, xây dựng chiến lược phát triển thị trường đậu tương Hoàng Su Phì về thị trường đậu tương chế biến tại Việt Nam bao gồm nhiều sản phẩm (như đậu phụ, sữa đậu nành, bột đậu nành, nước tương) và các sản phẩm từ đậu tương lên men (như tương miso hay tempeh) và là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là cho gia cầm và gia súc.
Cùng với đó, tăng cường năng lực cho người sản xuất, chế biến và cán bộ quản lý như: Đào tạo về ứng dụng tài khoản giao dịch và truy xuất nguồn gốc điện tử trên Cổng thông tin điện tử Hà Giang Trace; đào tạo về quản lý và khai thác NHCN; đào tạo về kỹ năng kinh doanh và thị trường cho 30 học viên là cán bộ quản lý tại địa phương và đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh đậu tương trên địa bàn tập trung vào kiến thức về nhãn hiệu, thương hiệu và các mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu,... Qua đó, nâng cao năng lực, nhận thức về truy xuất nguồn gốc điện tử, cách thức sử dụng ứng dụng Hà Giang Trace trong truy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm đậu tương Hoàng Su Phì và giúp học viên hiểu rõ các nội dung về nhãn hiệu, gồm chức năng, các yêu cầu, các loại nhãn hiệu và hoạt động sản phẩm có nhãn hiệu, và thương hiệu, gồm các yếu tố cấu thành, bản sắc, sự phát triển, giá trị, lợi ích của thương hiệu. Ngoài ra, chương trình tập huấn cũng chia sẻ và thảo luận cùng với học viên các mô hình quản lý nhãn hiệu và các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm đậu tương trên địa bàn. Đào tạo về quản lý và khai thác NHCN cho các cá nhân sản xuất và chế biến, cho cán bộ quản lý liên quan, gắn với chuyển đổi số,…
Theo số liệu từ các tổ chức nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại Việt Nam tăng trong nhiều năm qua. Do năng lực sản xuất đậu tương trong nước còn hạn chế nên Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Vì vậy, việc phát triển thị trường đậu tương tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cần tiếp cận theo hướng bền vững và toàn diện, tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh phân phối, và đào tạo nâng cao năng lực sản xuất trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới từ đậu tương là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Tiếp theo, xây dựng thương hiệu đậu tương “Hoàng Su Phì” cần gắn với các giá trị địa phương như nông sản sạch, hữu cơ và đặc sản vùng miền. Các chiến lược marketing hiện đại trên mạng xã hội và thương mại điện tử sẽ giúp đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn đến khách hàng và tạo dựng niềm tin bền vững và phát triển kênh phân phối đa dạng từ truyền thống đến hiện đại, qua đó gia tăng khả năng tiếp cận và tối ưu hóa quy trình tiêu thụ.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất là yếu tố cốt lõi, giúp người dân và doanh nghiệp địa phương nắm bắt các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng hạ tầng nhằm khuyến khích các hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất đậu tương tham gia vào chuỗi giá trị. Các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ này sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một thị trường đậu tương gắn với NHCN và phát triển thương hiệu bền vững tại huyện Hoàng Su Phì, từ hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững/.
Nguồn tin: