Chủ Nhật, 20/04/2025
Ngày đăng: 01/01/2024 15:09:19 / Lượt xem: 143
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu hoạt động của dông sét và triển khai các giải pháp phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn (mưa rào), đôi khi có mưa đá, vòi rồng. Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa đám mây và mặt đất người ta gọi là sét.


Về cơ chế hình thành, dông là hiện tượng thời tiết kèm theo sấm, chớp xảy ra, cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động thẳng, có thể kéo dài từ 30 phút đến 12 tiếng và trải rộng từ vài chục đến hàng trăm km. Trong giai đoạn đầu phát triển của cơn dông, khối không khí nóng ẩm chuyển động lên trên, sự phân chia điện tích trong mây dông gây bởi chuyển động thẳng đứng trong đám mây, khi các vùng điện tích đủ mạnh sẽ xảy ra phóng điện sét, quá trình trung hoà và tái tạo điện tích xảy ra liên tục trong cơn dông. Dông được xếp vào thời tiết nguy hiểm vì hàng năm có nước sét đánh chết hàng nghìn người, gây ra hàng trăm vụ cháy rừng, cháy nhà, làm hư hỏng nhiều thiết bị máy móc, nhất là các thiết bị điện tử do làm gián đoạn và hao hụt sự truyền điện năng trên các đường dây dẫn.

Trước đây, khi chưa được giải thích dựa trên khoa học, sét thực sự là nỗi sợ hãi khủng khiếp của nhân loại do gây ra những vụ nổ kinh hoàng được lịch sử ghi lại trên thế giới và cũng đã có các công trình nghiên cứu khoa học các quy luật phát triển của chúng phục vụ công tác dự báo dông. Hàng loạt các công trình đánh giá mật độ sét, cũng như các thông số khác của hoạt động sét đã được thực hiện và từ đó đề xuất các biện pháp phòng chống sét.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu dông sét được bắt đầu từ năm 1957, từ đây, vấn đề nghiên cứu dông sét ở Việt Nam đã được thực hiện qua một số công trình tiêu biểu. Một số công trình nghiên cứu sét cũng đã được thực hiện bên ngành điện lực từ trước năm 2003, như đề tài: “Nghiên cứu sét và các biện pháp bảo vệ công trình điện” do các tác giả Đặng Ngọc Tùng, Lại Đức Nhẫn, Trần Văn Áp và các cộng sự thực hiện trong giai đoạn 1987-1995, Bản đồ mật độ dông sét trong đề tài cho thấy: Tại tỉnh Hà Giang, mật độ sét mạnh nhất phía Tây Bắc của tỉnh, tương ứng với huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Đồng Văn, có vùng đạt 7.61 phóng điện/km2; một phần khu vực huyện Mèo Vạc có mật độ sét thấp nhất; khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh có mật  độ sét nhỏ hơn 6 phóng điện/km2. Tuy vậy, các nghiên cứu này cũng chỉ áp dụng hạn chế trong ngành điện lực, tập chung nghiên cứu về vấn đề mật độ sét, độ dốc dòng điện sét, định vị sét và chống sét,…

Về vị trí địa lý, tỉnh Hà Giang nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc. Là tỉnh có nhiều mây và tương đối ít nắng. Các hướng gió phụ thuộc vào địa hình thung lũng quanh năm hầu như chỉ có một hướng gió đông nam với tần suất vượt quá 50%. Nhìn chung gió yếu, tốc độ trung bình khoảng 1-1,5m/s. Đây cũng là nơi có số ngày dông cao, tới 103 ngày/năm, có hiện tượng mưa phùn, sương mù nhiều nhưng đặc biệt ít sương muối, vì vậy, nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, tất cả đều có ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và đời sống của người dân.

Trong vài năm gần đây, trên địa bàn tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra nhiều vụ sét đánh gây thiệt hại lớn về con người và gia súc, cũng như tài sản vật chất và ảnh hưởng đến tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Để khắc phục được điều này, rất cần có các nghiên cứu chi tiết và cập nhật mới cho khu vực này. Trước tình hình thực tế đó, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt triển khai đề tài "Nghiên cứu hoạt động của dông sét và triển khai các giải pháp phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Hà Giang" do Viện Vật lý Địa cầu triển khai thực hiện. Với mục tiêu chính và tổng quát của đề tài nghiên cứu nhằm đánh giá được quy luật hoạt động và phân bố dông sét tại tỉnh Hà Giang; xây dựng được mô hình phòng chống sét phù hợp, thực tế, có hiệu quả cho địa phương và nâng cao hiểu biết của nhân dân địa phương về các giải pháp phòng chống sét nhằm giảm thiểu tác hại do sét gây nên.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, các thành viên trong Ban chủ nhiệm đã hoàn thiện các nội dung chính theo thuyết minh: Thiết lập trạm đo dông sét, quan trắc bổ sung hoạt động dông sét tại Hà Giang trong 02 mùa dông sét (tiến hành tính toán số liệu đo khảo sát để lựa chọn vị trí đặt 05 trạm tại các huyện Bắc Quang, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Đồng Văn và TP. Hà Giang; thiết kế tích hợp, lắp ráp hệ thiết bị quan trắc dông sét gồm 5 trạm; xử lý số liệu và đánh giá hiệu quả hoạt động hệ thống trạm); Nghiên cứu đánh giá, phân tích các số liệu về dông sét phục vụ phân vùng hoạt động dông sét và đề xuất các mô hình chống sét có hiệu quả cho Hà Giang (tiến hành nghiên cứu số liệu chuyên ngành; nghiên cứu nguồn số liệu thu thập qua 5 trạm cảnh báo dông sét; xây dựng bản đồ phân vùng hoạt động dông sét); nghiên cứu đề xuất các mô hình chống sét có hiệu quả cho địa phương (tiến hành xây dựng quy trình cảnh báo sét sử dụng các trạm thiết bị cảnh báo sét và số liệu khác; lập phương án tránh sét ngoài trời cho người dân; lựa chọn, khảo sát điện trở đất cho 12 khu vực dự kiến xây dựng công trình chống sét đánh thẳng; thiết kế 12 công trình chống sét đánh thẳng mẫu) và đề ra các giải pháp tuyên truyền chống sét có hiệu quả cho địa phương (xây dựng nội dung tờ rơi, bảng tuyên truyền, phóng sự, tài liệu phổ biến kiến thức và hướng dẫn phòng chống sét an toàn cho con người khu vực nghiên cứu; xây dựng website cung cấp thông tin về dông sét và giải pháp phòng chống cho tỉnh Hà Giang).

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện các nội dung thuyết minh đề tài được phê duyệt, về mức độ đạt được các mục tiêu khoa học công nghệ, Ban chủ nhiệm đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: Đánh giá được quy luật hoạt động và phân bố dông sét tại tỉnh Hà Giang; xây dựng được 12 mô hình phòng chống sét phù hợp cho 12 hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân địa phương về các giải pháp phòng chống dông sét nhằm giảm thiểu tác hại do sét gây ra.

Về quy mô, khối lượng, chất lượng các hạng mục hoàn thành so với nội dung đề ra - tiến độ so với kế hoạch: Đề tài cơ bản đã triển khai được các nội dung theo thuyết minh phê duyệt, các sản phẩm cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, hoàn thành tốt và đầy đủ các sản phẩm của đề tài với các kết quả chính đạt được như sau:

Đã thiết lập được mạng trạm quan trắc định vị và cảnh báo sét sớm gồm 5 trạm ở tỉnh Hà Giang gồm 5 trạm định vị sét được đặt tại 5 vị trí (tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, Yên Minh và Hoàng Su Phì). Các trạm đã quan trắc được các thông số hoạt động dông, bao gồm thời gian xảy ra sét đánh theo thời gian thực, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Xây dựng được bản đồ phân vùng hoạt động dông sét khu vực Hà Giang phục vụ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phòng chống sét. Hà Giang nằm trong phân vùng dông II, mùa dông ở đây bắt đầu từ tháng 3, kết thúc vào tháng 10, dông nhiều nhất vào 3 tháng 6, 7, 8. Vùng II được chia làm 3 tiểu vùng cụ thể với tần số dông vừa phải (từ 200 - 300giờ/năm) đến nhiều dông (>300 giờ/năm).

Xây dựng 12 mô hình chống sét cho tỉnh Hà Giang sử dụng các công nghệ mới nhất về lĩnh vực chống sét (dựa theo tiêu chuẩn TCVN 8385: 2012 và IEC 62305), trên đo đạc điện trở suất của đất tại 12 khu vực và các thông số môi trường, đánh giá rủi ro do sét gây nên, các mô hình có thể nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là công trình chống sét đánh thẳng có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (IEC-62305). 

Thực hiện các công tác tuyên truyền về phòng chống sét cho người dân: Xây dựng bản hướng dẫn sử dụng thông tin phòng chống sét; tổ chức 07 hội thảo tập huấn tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang và Hoàng Su Phì với tổng số lượng người tham gia lớp tập huấn 420 người; phát tờ rơi, xây dựng website tuyên truyền về phòng chống sét cho  người dân, cán bộ quản lý (http://igp-vast.vn/nxanh1/hagiang/). Website nhằm mục đích cung cấp thông tin về dông sét và giải pháp phòng chống cho tỉnh Hà Giang.

Có thể khẳng định, đề tài mang lại giá trị, ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả cao, dựa trên việc đánh giá hoạt động dông sét trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đề tài đã ứng dụng công nghệ phòng chống sét góp phần giảm thiểu thiệt hại, tránh tâm lý hoang mang trong người dân, triển khai 5 trạm cảnh báo sét ở địa phương để đánh giá hoạt động dông sét trong khu vực Hà Giang; thực hiện 12 công trình chống sét đánh thẳng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC-62305 và của Việt Nam, dây là phương án chống sét hiệu quả nhất về kinh tế và kỹ thuật vào thời điểm hiện nay và thông qua hội thảo tập huấn đã góp phần nâng cao kiến thức và phòng chống sét cho người dân và cán bộ quản lý như: Lên kế hoạch trước khi nghe bản tin dự báo thời tiết, lên kế hoạch làm việc để đề phòng, thực hiện quy tắc nhìn -nghe, các kiến thức về việc tránh sét trong nhà, tránh sét đánh ngoài trời, cách cấp cứu người bị sét đánh, hậu quả do sét đánh thẳng, tác hại do sự lan truyền điện thế cao, sét đánh như thế nào vào các vật trên mặt đất, quy trình chống sét cho nhà và công trình, các giải pháp cơ bản chống sét cho thiết bị điện, điện tử..../.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...