Ngày đăng: 01/03/2024 15:33:30 / Lượt xem: 209
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất tại tỉnh Hà Giang

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh Hà Giang đã được quan tâm và từng bước đạt những kết quả đáng khích lệ. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào các vấn đề then chốt, cấp thiết của tỉnh, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn nơi địa đầu của tổ quốc.


Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự đoàn kết phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, cùng với sự đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong nghiên cứu và hoạt động KH&CN, tỉnh Hà Giang đến nay đã có sự phát triển và đạt những kết quả đáng khích lệ, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của ngành KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Xuất phát từ vai trò quan trọng của KH&CN, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp nhận làm chủ và ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, như các Quyết định của UBND tỉnh gồm Quyết định số 16/KH-UBND ngày 12/01/2021 về Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/4/2021 về Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh; Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 về Chương trình Chuyển giao tiến bộ KH&CN tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025.  

Nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản có thế mạnh của địa phương đã được xây dựng thương hiệu và phát triển thành hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Các mô hình ứng dụng vào sản xuất đều cho hiệu quả về kỹ thuật, tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp, dự án khoa học đã góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo được nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị cao về kinh tế, như một số các đề tài, dự án: Đề tài: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững cây Chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang" đã điều tra và xác định được 100 cây chè cổ thụ đầu dòng, quần thể chè Tây Côn Lĩnh được công nhận quần thể di sản, xây dựng mô hình thâm canh, chăm sóc chè Shan tuyết cổ thụ (5ha); Dự án "Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình bảo quản, chế biến sản phẩm từ chuối tiêu tại tỉnh Hà Giang"…

Trong chăn nuôi, tỉnh chú trọng việc cải tạo đàn gia súc, gia cầm thông qua việc triển khai các đề tài, dự án: Mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn đen sinh sản tại xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, dự án đã tạo ra 02 cơ sở cung cấp con giống lợn đen thương phẩm uy tín cho địa phương, góp phần tăng nhanh tổng đàn lợn thịt trên địa bàn xã, gián tiếp tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, kết quả của dự án là cơ sở khoa học để tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi lợn đen sinh sản trên địa bàn huyện Xín Mần và các huyện khác trong tỉnh; đề tài "Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang" bước đầu ứng dụng công thức điều trị bệnh sinh sản và gây động dục, phối giống chủ động trên đàn bò thịt H’mông tỉnh Hà Giang, những bò chậm sinh quay lại chu kỳ động dục bình thường để có cơ hội phối giống có chửa sinh bê, rút ngắn khoảng cách lứa trên các con bò, giúp nâng cao tỷ lệ bò phối giống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt, đặc biệt là chăn nuôi bò cái H’mông trên vùng cao nguyên đá, đồng thời đề tài cũng góp phần vào nâng cao hiệu quả chăn nuôi đàn bò quy mô nông hộ nhỏ, góp phần vào việc cải thiện sinh kế người dân khu vực cao nguyên đá, đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nhân giống, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện giống đại gia súc quan trọng của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ nuôi trồng một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Nhiều máy móc, thiết bị được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa; nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng một số sản phẩm đặc sản của tỉnh như công nghệ chế biến chè xuất khẩu, công nghệ sấy và chế biến thảo quả, công nghệ lên men các sản phẩm từ tỏi, công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất nấm đông trùng hạ thảo,.. giúp nâng cao giá trị các sản phẩm.

Kết quả, tỉnh đã hỗ trợ cho 63 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực: Chuyển đổi số 14 doanh nghiệp, HTX, 15 doanh nghiệp, HTX trong tỉnh nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, 16 doanh nghiệp được hỗ trợ triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, 18 HTX, hộ sản xuất đã thực hiện đề án quản lý hệ thống truy suất nguồn gốc (đã tạo 30 mã QR code cho sản phẩm cam, mật ong, thảo quả, cơm cháy, chè, gà đen, thịt lợn treo, củ cải sấy thực hiện truy suất nguồn gốc) việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng... giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 08 chỉ dẫn địa lý, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 13 nhãn hiệu tập thể và hơn 200 nhãn hiệu độc quyền. Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh với sản lượng thấp, đến nay, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; Hồng không hạt Quản Bạ; Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; Cam sành Hà Giang; Chè shan tuyết Hà Giang; Thịt bò Hà Giang; Thảo quả Vị Xuyên... đã được người tiêu dùng cả nước biết đến và ưa chuộng. Đây chính là kết quả của hoạt động nghiên cứu, xây dựng và đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc thù được ngành KH&CN tỉnh Hà Giang triển khai tích cực trong thời gian qua. Hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhiều kết quả KH&CN đã được ứng dụng rộng rãi và đưa vào triển khai thực tiễn. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo thúc đẩy quá trình xây dựng thành công nông thôn mới về trước mắt cũng như lâu dài.

Có thể khẳng định, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung nhằm từng bước nâng cao vị thế, chất lượng cho nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh được coi là hướng đi rất quan trọng đối với các các nhân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn toàn tỉnh và cần được lan rộng trong thời gian tới. 

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...