Chủ Nhật, 20/04/2025
Ngày đăng: 01/05/2024 15:55:50 / Lượt xem: 165
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên tỉnh Hà Giang

Hoạt động khởi nghiệp là nơi phát huy sức mạnh nội lực của các tầng lớp trong xã hội, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Đảng luôn đánh giá vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong mọi giai đoạn của lịch sử. Đảng xác định thanh niên là chủ hiện tại và tương lai của đất nước, là đội quân xung kích cách mạng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, với dân số là 854.679 người (theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/2019). Là tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số, trong đó, lực lượng thanh niên (từ 15 - 35 tuổi) chiếm gần 30% dân số, đây là nguồn lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng nguồn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp gây ra nhiều khó khăn cho tỉnh trong quá trình phát triển KT-XH.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và triển khai các chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp cho thanh niên nói riêng. Qua đó nhiều Chương trình, Đề án, Kế hoạch được triển khai như: Các lớp tập huấn về khởi nghiệp; các buổi hội thảo, hội nghị, diễn đàn về khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp... từ đó trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho toàn thể thanh niên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Hà Giang đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nhiều Chương trình, Kế hoạch đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp. Ngoài ra, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho 135 thanh niên được vay vốn, với số tiền trên 3 tỷ đồng để khởi nghiệp; thành lập mới 2 HTX do thanh niên làm chủ; toàn tỉnh có 387 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đang hoạt động hiệu quả... Qua đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi giúp thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, đồng thời cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng cao và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh....

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn và tồn tại: Nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp còn hạn chế, mặc dù Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Hà Giang đã được thành lập năm 2018 song hiệu quả chưa cao, các hoạt động kết nối, hỗ trợ của ngân hàng thương mại chưa thực sự hiệu quả (do lãi suất còn cao, thời gian vay ngắn). Các khởi nghiệp viên còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức trong công tác điều hành, quản lý về tài chính, về thuế… việc kết nối các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của các khởi nghiệp viên... đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) chưa được quan tâm đúng mức.

Như vậy, thực tiễn trên cho thấy, nghiên cứu xây dựng quy trình các bước khởi nghiệp và xây dựng một số mô hình khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu cho thanh niên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KT -XH tỉnh ta hiện nay. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu và triển khai đề tài “Nghiên cứu hỗ trợ mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên tỉnh Hà Giang” là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm hỗ trợ thanh niên, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đồng hành cùng thanh niên tỉnh Hà Giang trong quá trình lập thân, lập nghiệp và phát triển KT -XH địa phương, đồng thời nâng cao được vai trò của đoàn thanh niên trong việc hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh trong thời gian tới sát thực, hiệu lực và hiệu quả. Đề tài đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt triển khai thực hiện, Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị (Tỉnh đoàn Hà Giang; Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang...) triển khai thực hiện đề tài theo Hợp đồng đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ.

Mục tiêu chung của đề tài nhằm nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang, từ đó làm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp thanh niên vận dụng các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho thanh niên trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang.

Sau hai năm triển khai thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã đạt được những kết quả cụ thể, hoàn thành các mục tiêu, cơ bản đã triển khai được các nội dung theo Thuyết minh phê duyệt; các sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đề tài đã đánh giá được thực trạng và các điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang, đã xây  dựng mô hình khung lý thuyết về khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên và tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm về  khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST của một số địa phương và tiềm năng khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Hà Giang", đồng thời, đã đánh giá được thực trạng và các điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang, tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động tới hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang và tổ chức hội thảo số 02 với nội dung “Thực trạng và giải pháp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên tỉnh Hà Giang”.

Đề tài đã phân tích được những thuận lợi của thanh niên khi khởi nghiệp (có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình về vốn, ủng hộ về tinh thần, chiếm 65,15%), đây là động lực rất lớn đối với thanh niên khi bắt đầu khởi nghiệp; 48,79% thanh niên khởi nghiệp có sự hỗ trợ, khích lệ của đoàn viên thanh niên địa phương (khích lệ, động viên, tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh,…) 37,27% có chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương (hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt bằng,…); 12,42% thanh niên khởi nghiệp có lợi thế là gia đình có truyền thống kinh doanh. Bên cạnh đó, đã phân tích được những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp, trong đó, khó khăn lớn nhất là yếu tố về vốn/tài chính, quản trị chiến lược đơn vị và xây dựng mạng lưới hợp tác thị trường đầu ra. Thủ tục đăng ký pháp lý, mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng là yếu tố khó khăn đối với thanh niên khi khởi nghiệp.

Đề tài xây dựng Quy trình khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang, trong đó, xây dựng khung quy trình khởi nghiệp ĐMST đối với thanh niên đã có ý tưởng khởi nghiệp bao gồm 06 bước cơ bản (Nghiên cứu lợi thế, khó khăn của bản thân; tìm kiếm ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ; xây dựng bản dự án hoặc kế hoạch kinh doanh sơ bộ; xây dựng kế hoạch chi tiết; chuẩn bị nguồn lực để thực hiện; thực hiện); xây dựng khung quy trình ĐMST đối với các mô hình khởi nghiệp đã có sẵn, các doanh nghiệp, HTX mong muốn thực hiện ĐMST gồm 05 bước (Xây dựng chiến lược; lập kế hoạch; số hóa tài liệu quy trình; chuẩn bị nhân lực và triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng Sổ tay tuyên truyền về khởi nghiệp và ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang;...

Hỗ trợ hai mô hình khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên tỉnh Hà Giang (Mô hình đổi mới sáng tạo phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên và Mô hình khởi nghiệp phát triển du lịch cộng đồng Homestay cho thanh niên tại thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang): Tổ chức 02 lớp tập huấn (mỗi mô hình 01 lớp cho 30 học viên, trong thời gian 03 ngày) cho thanh niên về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, xây dựng mô hình liên kết giữa các bên; hỗ trợ các kiến thức về quản trị và thị trường cho thanh niên; quy trình khởi nghiệp cho thanh niên. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá 02 mô hình gồm: 02 biển chỉ dẫn; 02 DVD và 02 website (https://dlcdphulinhhagiang.vn; https://dlcdtansonhagiang.vn) bàn giao cho Đoàn thanh niên xã Phú Linh và thị trấn Việt Quang (biển chỉ dẫn) và Huyện đoàn 02 huyện (DVD và website). Đồng thời, tổ chức 02 hội thảo tại 02 huyện nhằm trao đổi, giải đáp và hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp...

Đề tài đã đề ra 06 định hướng về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang; trong đó tiếp tục xác định việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi, phải có chiến lược và kế hoạch tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho thanh niên khởi nghiệp; Ứng dụng KH&CN thông tin vào sản xuất, quảng bá, quản lý và phát triển sản phẩm, phát huy những lợi thế của địa phương nhằm xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên nói riêng của đồng bào tỉnh Hà Giang nói chung để thực hiện việc ĐMST cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đối tượng khởi nghiệp ĐMST phải được mở rộng đến cả các HTX và các hộ gia đình thanh niên khởi nghiệp...

Đề tài cũng đã đề ra 08 mục tiêu về khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang đến năm 2025, trong đó cần tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức cơ bản và cập nhật kiến thức mới về khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST, về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp; hỗ trợ cho 100% thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST hàng năm,... . Phấn đấu mỗi năm hỗ trợ thành lập 350 – 400 mô hình. Hàng năm, hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản trị, quản lý tài chính, kế toán, thuế, kiến thức về chuyển đổi số, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và các nội dung khác nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho 550 - 600 thanh niên...

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm thực tiễn của một số tỉnh và một số mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công; cùng với phân tích chính sách khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang, thực trạng khởi nghiệp trong thanh niên, 10 giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên tỉnh Hà Giang được đề xuất. Đó là các nhóm giải pháp về hoàn thiện chính sách khởi nghiệp tại địa phương; về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; về đẩy mạnh công tác đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về tham gia chương trình OCOP và liên kết ngành, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm; về hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Hà Giang;... Trọng tâm là nhóm giải pháp hỗ trợ về đất đai, vốn, thuế, kế toán cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là các giải pháp về pháp lý hỗ trợ vay vốn ưu đãi và cắt giảm các thủ tục hành chính đối với các mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ, phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên vay vốn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và giúp lan toả tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.

Khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST là con đường để Hà Giang bứt phá, là con đường ngắn với tốc độ cao để tỉnh nhanh chóng tiến kịp các địa phương khác trong vùng. Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST là quá trình không ngừng đổi mới, sáng tạo, về chính sách, về thực thi chính sách, về tổ chức bộ máy, kết nối mạng lưới,... nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối, tính chia sẻ giữa các cá nhân trong từng tổ chức, giữa tổ chức với các cấp, các ngành trong tỉnh. Do vậy, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức và kết nối bộ máy, về hoàn thiện hệ thống chính sách. Thực hiện tốt các giải pháp và kiến nghị của đề tài, sẽ tạo ra được một môi trường khởi nghiệp thông thoáng, hấp dẫn, cạnh tranh và hiệu quả cho tỉnh Hà Giang, giúp lan toả và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Hà Giang trong thời gian tới./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...