Ngày đăng: 01/07/2024 / Lượt xem: 75
Xem với cỡ chữ

Công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội. Chính sách là một tập hợp các biện pháp của Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng được thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.

UBND tỉnh Hà Giang tổ chức toạ đàm công tác truyền thông chính sách.


Truyền thông chính sách là quy trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân, để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của nhà nước và của người dân. Truyền thông chính sách là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng các chính sách của Nhà nước được người dân hiểu rõ và thực hiện đúng đắn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, công tác truyền thông chính sách đã có nhiều tiến bộ đáng kể, góp phần nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của xã hội đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với đặc thù của tỉnh hiện nay, tổ chức truyền thông chính sách trên các hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn được ghi nhận là phương thức thông tin mang lại giá trị thiết thực, hiệu quả đối với người dân và chính quyền địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100%, việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông đã được áp dụng rộng rãi trong công tác truyền thông chính sách. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo và các trang web chính thức của các cơ quan Nhà nước đã trở thành kênh quan trọng để truyền tải thông tin. Thông qua các nền tảng này, thông tin được truyền tải nhanh chóng, hiệu quả và đến đúng đối tượng mục tiêu.

Đối với các sở, ban, ngành chủ yếu sử dụng phương thức cung cấp thông tin, thực hiện công tác truyền thông chính sách bằng xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, Bản tin, baner, áp phích, website; nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng phương thức truyền thông mới trên mạng xã hội như zalo, facebook... Các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông của tỉnh bên cạnh sử dụng phương thức truyền thông truyền thống đã mạnh dạn triển khai các kênh Fanpage facebook, YouTube,... đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách theo xu hướng truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng đã triển khai thực hiện truyền thông, phổ biến chính sách bằng các hình thức truyền thông trực tiếp như: Tổ chức sinh hoạt thôn, truyền thông tại các phiên chợ, tổ chức thông tin lưu động, truyền thông hình ảnh trực quan, niêm yết công khai các thông tin, chính sách tại trụ sở xã, thôn;... đồng thời, sử dụng các kênh thông tin trên nền tảng số như: Trang thông tin điện tử (TTĐT), sản xuất chương trình phát thanh cơ sở, chương trình truyền hình địa phương, thiết lập kênh thông tin chính thức trên mạng xã hội như: Zalo OA, Fanpage facebook, YouTube;... thiết lập sử dụng các nhóm zalo cộng đồng để thông tin, trao đổi, phổ biến các chủ trương, chính sách, những chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở về các vấn đề liên quan đến người dân trên địa bàn. Các văn bản pháp luật, chính sách mới được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tra cứu.

Đồng thời, đa dạng hóa hình thức truyền thông, không chỉ dựa vào các văn bản hành chính khô khan, công tác truyền thông chính sách còn sử dụng các hình thức đa dạng như video, infographic, các bài viết giải thích dễ hiểu và sinh động. Điều này giúp thông tin chính sách trở nên gần gũi và dễ tiếp thu hơn đối với người dân.

Trong thời gian qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả như: Đối với truyền thông trên báo chí, nhìn chung, các cơ quan báo chí trên địa bản tỉnh thời gian qua đã bám sát định hướng tuyên truyền của tỉnh; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí, giao nhiệm vụ cho một số cơ quan, đơn vị triển khai hợp tác, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương thông tin, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên các lĩnh vực và quảng bá hình ảnh địa phương. Đối với Sở KH&CN, đã xuất bản 02 cuốn tài liệu (tập I và tập II) về “Một số chính sách thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang hỗ trợ cho DN, HTX”; thực hiện truyền thông trên Đài PT&TH tỉnh; tuyên truyền trên Báo Hà Giang; tuyên truyền thông tin, chính sách trên Trang Thông tin điện tử của Sở,… Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân nhờ các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả, nhận thức của người dân về các chính sách mới đã được nâng cao đáng kể. Điều này thể hiện rõ qua sự tham gia tích cực của người dân vào các chương trình, kế hoạch của Nhà nước như Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, chiến dịch bảo vệ môi trường, các chương trình phúc lợi xã hội... góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Người dân đã hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của các chính sách, từ đó có thái độ tích cực hơn trong việc ủng hộ và thực hiện các chính sách đó theo đúng quy định thông qua các kênh truyền thông số, các cơ quan Nhà nước có thể nhận được phản hồi từ người dân một cách nhanh chóng. Điều này giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của người dân.

Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế, bất cập như: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, một số nơi còn e dè, né tránh, thiếu phối hợp trong hoạt động tác nghiệp. Truyền thông chính sách vẫn chủ yếu triển khai theo cách tiếp cận truyền thống, một chiều, thiếu sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước và các phương tiện báo chí, truyên thông. Việc sử dụng các công cụ, ứng dụng phương thức truyền thông hiện đại đã có sự thay đổi tích cực nhưng chưa đồng bộ; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu và bất cập.... Về đầu tư, còn hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ... Về chất lượng sản phẩm truyền thông trên các hệ thống TTĐT điện tử thấp, lượng người quan tâm theo dõi ít. Về giao diện các Cổng, Trang TTĐT của tỉnh và các cơ quan, đơn vị chưa có chuyên trang, chuyên mục riêng để thông tin, tuyên truyền về chính sách... Chưa có bộ phận truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Về chế độ thù lao, nhuận bút cho đội ngũ viết tin, bài, sản xuất chương trình phát thanh trên hệ thống truyền thông số còn thấp... Phương tiện, thiết bị đảm bảo hoạt động tác nghiệp của cán bộ truyền thông cơ sở như máy tính, máy ảnh, máy ghi hình, thuê phần mềm thiết kế... còn thiếu, công nghệ cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Vì vậy, trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa công tác truyền thông chính sách cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá; kịp thời bổ sung, điều chỉnh thực hiện công tác truyền thông chính sách theo phạm vi, trách nhiệm quản lý. Một trong những thách thức lớn đối với công tác truyền thông chính sách hiện nay là sự lan truyền của các thông tin sai lệch, tin giả trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nâng cao năng lực trong việc kiểm chứng, xác minh thông tin, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông cho người dân. Để công tác truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, cần chú trọng nâng cao chất lượng nội dung truyền thông. Nội dung phải được biên soạn cẩn thận, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với từng đối tượng mục tiêu. Cần thống nhất công tác truyền thông chính sách là một trong những chức năng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ truyền thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đầu tư đồng bộ, toàn diện đảm bảo công tác truyền thông là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định phân cấp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực phát triển sản phẩm báo chí, truyền thông đa phương tiện, phát huy hiệu quả các phương thức truyền thông hiện đại. Chủ động, tăng cường, kịp thời cung cấp thông tin; đa dạng các hình thức, nội dung cung cấp thông tin... Từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn cơ bản; có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết... Và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt để công tác truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao. Do đó, cần thúc đẩy sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và từng cá nhân trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách trong thực tiễn...

Có thể nhận thấy, công tác truyền thông chính sách thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, đảm bảo thông tin chính sách được truyền tải một cách minh bạch, chính xác và kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 2 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...