Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/02/2024 / Lượt xem: 8
Xem với cỡ chữ

Phương pháp trồng nấm rơm trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nấm rơm hay nấm mũ rơm, nấm rạ... là một loài nấm trong họ nấm lớn hay nấm thể quả (thường để chỉ những loại nấm thuộc ngành Basidiomycota và Agaricomycetes, được biết đến với hai dạng là nấm ăn được và nấm độc) sinh trưởng và phát triển từ các loại rơm rạ. Nấm rơm có thể mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, nơi có khí hậu nóng ẩm. Là loại nấm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều đạm (hơn cả thịt bò và đậu tương), chất béo, bột đường, chất xơ, các yếu tố vi lượng Ca, Fe, P, các vitamin A, B1, B2, PP, E, C, D (vitamin D chỉ có khi trồng ngoài tự nhiên có ánh nắng) và chứa bảy loại a-xít amin nên là nguồn sử dụng để làm thức ăn, chế biến thành thực phẩm chức năng.


Nguyên liệu trồng nấm rơm rất đa dạng, có thể chọn nhiều vật liệu để trồng như: Lục bình, rơm rạ, lá chuối, bã mía,... nhưng chủ yếu nhất là dùng rơm rạ, có thể dùng rơm khô hay rơm tươi, đảm bảo là không mục nát.

Nấm rơm chủ yếu được trồng ngoài trời, thích hợp nhất là thời vụ từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch. Với cách trồng khá đơn giản, trồng trên nền đất rồi phủ rơm lên, với cách này giúp ta tiết kiệm chi phí, nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và tốn nhiều diện tích sản xuất. Do là trồng ngoài trời nên khi gặp trời mưa hoặc chuyển mùa sẽ khiến người dân mất mùa nấm. Vì vậy, để cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt và nâng cao thu nhập, cách trồng nấm rơm trong nhà sẽ giúp mang lại kết quả cao, giúp nâng cao thu nhập so với trồng ngoài trời. Do nấm rơm trồng trong nhà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, ngoài ra người trồng nấm luôn chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt nên có thể trồng được quanh năm, giúp năng suất ổn định, chất lượng sản phẩm nâng cao, đảm bảo sản phẩm sạch, chất lượng cao. Ngoài ra, để tiết kiệm không gian, ta có thể trồng nấm được chất mô theo luống, chất trên kệ tầng hoặc chất từng cây đứng có cọc ở giữa,…

Với mô hình trồng nấm trong nhà, muốn cho nấm phát triển tốt, việc đầu tiên ta cần xây dựng nhà kín đảm bảo không bị tác động bên ngoài như độ ẩm, ánh sáng, không khí…

Nhà trồng nấm có 2 loại gồm nhà ủ sợi và nhà trồng nấm. Đối với nhà ủ sợi, ta nên thiết kế trong nhà có 2 dãy kệ, kệ có kích thước: 0,6 x 4 x 1,65m, có 3 tầng. Có 1 cửa ra vào và 4 cửa thông gió. Đối với nhà trồng nấm, ta chọn đất làm nhà phải cao ráo, không ngập lụt, mái nhà lợp bằng tranh, lá mía, lá dừa nước hoặc mái tôn. Trên mái tùy theo diện tích, kích thước nhà mà lợp 2 hoặc 4 tấm tôn nhựa để ánh sáng rọi vào nhà. Xung quanh nhà và trần nhà cần bọc kín bằng nylon trắng và bọc thêm lớp bạt bên ngoài. Bên trong kê 3 - 4 dãy kệ tuỳ theo diện tích nhà và sắp xếp khoảng cách giữa các kệ khoảng 50cm. Bên cạnh đó, ta cần có dụng cụ và vật tư trồng nấm như: Giống nấm (meo giống), vôi xử lý rơm, bể ngâm ủ, kệ ủ rơm, nylon ủ rơm, nylon gói rơm, bình bơm tưới nấm, nhiệt kế, ẩm kế, giấy quỳ,…

Muốn nấm đạt năng suất cao, việc chọn meo giống có tầm ảnh hưởng đến năng suất của nấm rơm, giống tốt có sợi tơ nấm màu trắng trong, meo nấm đựng trong bịch có mùi hương nấm rơm đặc trưng, tơ nấm phát triển đều trên bề mặt bịch meo. Ta nên loại bỏ những bịch meo có màu đen, nâu, vàng cam do bị nhiễm nấm dại, không chọn bịch meo ướt dưới đáy, nhão có mùi hôi, chua.

Để trồng nấm rơm trong nhà đạt hiệu quả cao cần đảm bảo các yếu tố sau đây:

Nhiệt độ: Dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ phòng, đây là yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển của sợi nấm, vì vậy nhiệt độ tối thích hợp là từ 30oC - 35oC và nhiệt độ cho sự hình thành quả thể là từ 28oC - 30oC.

Độ ẩm: Có thể kiểm tra độ ẩm nguyên liệu bằng cách nắm trong tay vắt mạnh, có nước chảy ra kẽ tay thì đạt yêu cầu, hoặc dùng ẩm kế để đo độ ẩm, tốt nhất là 65 - 70%.  

Độ PH: Dùng giấy quỳ để đo PH của nước, kệ trồng nấm, thích hợp nhất đối với nấm rơm là PH = 7 - 8. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu nhận thức ăn và hoạt động của các loại men.

Ánh sáng: Là một yếu tố kích thích sự hình thành và phát triển của quả thể, nên cần bố trí cho ánh sáng đến khắp mọi nơi của bề mặt mô nấm để nấm xuất hiện đều cùng một lúc, quan sát nấm có màu xám lông chuột là ánh sáng vừa đủ.

Không khí: Cần thiết cho quá trình lên men, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sợi nấm và phát triển của quả thể trong nhà trồng nấm. Nếu thiếu oxy trong khi độ ẩm nguyên liệu quá cao sẽ làm cho nguyên liệu bị nén quá chặt làm cho quả thể bị chết và mềm nhũn, giai đoạn hình cầu không hình thành hoặc hình thành sắc tố đen rất chậm.

Nguồn nước: Để nấm sinh trưởng và phát triển tốt ta nên dùng nguồn nước sạch, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không dùng nước thải công nghiệp, nước bẩn ao tù để tưới cho nấm, cần dùng bình có vòi bông sen phun những tia nước nhỏ để tưới cho nấm dễ thấm đều vào mô, đồng thời không làm hại những nụ nấm mới hình thành.

Kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà

Xử lý nguyên liệu: Rơm rạ khô, hoặc có thể dùng rơm tươi, rơm không bị mốc được ngâm trong nước vôi loãng cho đủ ẩm, có màu vàng. Để rơm róc nước, rồi chất đống ủ khoảng 300kg rơm, có kệ lót cách mặt đất 20cm, có cọc thông khí ở giữa, xung quanh quây nilon, để hở phía trên. Kích thước đống ủ: Dài, rộng, cao đều khoảng 1,5m. Xung quanh đống ủ được che nylon để hở chân và nóc.

Đảo rơm: Sau khi ủ rơm được 3 ngày, kiểm tra đống ủ, nếu có nhiệt độ từ 65 - 70oC thì tiến hành giũ tơi rơm, chỉnh độ ẩm, dùng tay vắt chặt rơm, nếu thấy chỉ có nước chảy nhỏ giọt là vừa. Nếu nước chảy thành dòng là rơm còn ướt phải tãi rộng cho bay bớt hơi nước; nếu vắt rơm không có nước là khô, phải phun bổ sung nước, sau đó tiếp tục ủ thêm 3 - 4 ngày nữa. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ trong đống ủ lớn hơn 75oC là đạt yêu cầu. Ngày thứ 7 - 8 kiểm tra nếu thấy rơm hết mùi khai, mùi chua thì tiến hành đóng mô, cấy giống. Đảo xếp rơm vào đống ủ, đảo từ trên xuống dưới, trong ra ngoài cho đều và tiến hành quây nilon như ban đầu.

Đóng mô: Nếu khuôn lớn ta xếp từng nắm rơm vào khuôn theo kiểu nằm ngang cao 8 - 9cm rồi cấy một lượt giống chạy viền xung quanh mép khuôn từ 3 - 5cm. Khi trồng xong nhấc khuôn và trồng tiếp mô khác, các mô cách nhau 20cm. Nếu khuôn nhỏ, sau khi nhấc khuôn ra ta gói mô nấm trong nilon trắng và cấy giống ở 2 đầu mô nấm.

Chăm sóc: Theo dõi, chăm sóc sau khi cấy giống. Ở giai đoạn này, sợi nấm rơm phát triển rất nhanh từ khi cấy giống đến khi có nấm quả thể từ 9 - 13 ngày. Trong 3 ngày đầu, sau khi cấy giống không cần tưới, nếu trời lạnh, mô nấm dưới 25oC phải phủ 1 lớp nilon trên mô nấm để giữ ẩm, giữ nhiệt. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8: Kiểm tra nhiệt độ mô nấm, cắm nhiệt kế trong mô nấm, nếu thấy nhiệt độ trong khoảng từ 35 - 38oC là hợp lý. Tưới ẩm nền xung quanh mô nấm và sương mù trên cao. Nếu trời lạnh dưới 25oC phải đậy nilon nhưng cách mặt mô nấm tối thiểu là 20cm để tránh bị hấp hơi. Từ ngày thứ 8 - 9: Khi thấy màng sợi từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong phải tưới đón nấm. Tưới nhẹ trực tiếp vào các mặt mô nấm cho ẩm đều, đẫm hơn bình thường. Từ ngày thứ 9 - 13: Trên mô nấm sẽ xuất hiện đinh ghim như hạt gạo, ta cần tưới giữ ẩm bình thường, tưới cao vòi tránh bị đứt sợi nấm.

Phòng trừ sâu bệnh: Để đảm bảo nấm sinh trưởng và phát triển tốt, trước khi trồng cần xử lý nền đất kỹ, phơi nắng, tưới nước, xới, rắc vôi, định kỳ. Đối với nguyên liệu cần được xử lý tránh sử dụng nguyên liệu mốc, hẩm,… đảm bảo độ ẩm và độ PH thích hợp; cần xử lý các dụng cụ trồng nấm bằng cách giặt sạch, phơi khô trước khi sử dụmg trồng nấm; giữ ấm mô nấm ở nhiệt độ 32 - 35oC,…

Phòng bệnh: Cần theo dõi thường xuyên để phát hiện, diệt nguồn bệnh, tránh lây lan, dọn vệ sinh và chùi rửa kệ trồng sau mỗi lần trồng. Nấm dại phát sinh do ủ nguyên liệu chưa tốt, độ ẩm nguyên liệu quá cao. Loại nấm này không gây hại nhưng cạnh tranh dinh dưỡng mạnh với nấm rơm, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nấm cần tránh nấm mực phát triển, chú ý chỉnh độ ẩm nguyên liệu phù hợp.

Các loại nấm mốc là những bệnh hại nguy hiểm. Nguyên nhân bệnh xuất hiện có thể do nguyên liệu bị nhiễm bệnh từ trước, nhà trồng nấm vệ sinh không sạch sẽ, khu vực nuôi trồng nấm ẩm thấp, trồng nấm nhiều đợt liên tục nhưng không vệ sinh định kỳ.

Tránh động vật phá hoại, gây bệnh: Chuột, gián, kiến, mối… gặm nhấm sợi và cây nấm, chúng đào hang, làm xáo trộn mô nấm, ăn giống nấm vừa cấy xong… Do vậy, phải dùng thuốc bẫy chuột, kiến, gián… tại khu vực nuôi trồng nấm.

Thu hoạch: Lứa 1 thu hoạch trong khoảng từ ngày 14 đến ngày 18. Cần hái nấm đúng tuổi, trước lúc nứt bao, lúc nấm ở giai đoạn quả nấm từ hình tròn chuyển sang hình trứng chưa nứt bao, vì giai đoạn này dinh dưỡng cao nhất, ngon và có chất lượng cao nhất. Trường hợp nấm mọc tập trung thành cụm, ta có thể tách những cây nấm lớn hái trước hoặc hái cả cụm. Khi nấm mọc rộ, ngày ta có thể hái 2 - 3 lần. Sau khi thu hoạch xong lứa 1, phải làm vệ sinh mô nấm, bằng cách nhặt bỏ hết những gốc nấm còn sót lại trên mô nấm và chăm sóc tiếp để nấm ra tiếp lứa 2.

Vệ sinh nhà trồng nấm: Sau khi thu hoạch, dọn sạch sẽ nhà trồng, loại bỏ các mô nấm ra khỏi nhà trồng, mở hết các cửa thông gió và cho ánh sáng vào nhà trồng. Phơi nhà trồng từ 5 - 7 ngày trước trước khi trồng vụ tiếp theo.

Với những hiệu quả mà mô hình trồng nấm rơm trong nhà mang lại, có thể nói đây là mô hình rất hiệu quả, an toàn cho người dân, do có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, thuận lợi trong khâu vệ sinh trại. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nấm rơm trong nhà tăng, dễ bán hơn và giá bán cao hơn do có nhiều ưu điểm hơn so với trồng nấm rơm ngoài trời. So với cách trồng trong nhà, người nông dân chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, tiết kiệm diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như khi trồng nấm ngoài trời, do đó có thể nói đây là điều kiện để thúc đẩy phát triển diện tích trồng nấm rơm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 14

Hôm nay: 4006

Tháng này: 28373

Tổng lượt truy cập: 351554