Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/03/2024 / Lượt xem: 9
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang

Bò vùng cao (bò H’mông) là bò nuôi phổ biến của đồng bào người mông, bò có nhiều đặc điểm riêng biệt, là giống bò được người H’mông thuần dưỡng lâu đời, chịu được thời tiết khắc nghiệt, chịu kham khổ, khả năng sản xuất cao, thể trạng khỏe, giỏi cày kéo, chất lượng thịt ngon, sản lượng thịt cao, tầm vóc khá lớn, thích nghi tốt, mắn đẻ.


Với những đặc điểm nổi trội, mang lại hiệu quả kinh tế, việc phát triển chăn nuôi bò vùng cao được tỉnh Hà Giang hết sức chú trọng và xác định là một trong những giải pháp xoá đói giảm nghèo bền vững. Chăn nuôi bò không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người, mà còn là nguồn sức kéo, nguồn phân bón hữu cơ, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, làm cân bằng môi trường sinh thái do tận dụng các phụ phẩm của ngành trồng trọt và các ngành sản xuất khác tạo ra.

Tuy nhiên, vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc nuôi dưỡng đàn bò. Môi trường khắc nghiệt cùng với điều kiện thổ nhưỡng khó khăn tạo nên những hạn chế đáng kể về sinh sản và phát triển giống bò. Để giải quyết vấn đề này, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động đã được nghiên cứu và đưa ra nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Do vậy, vấn đề đặt ra là cần tập trung phát triển đàn bò theo hướng ổn định cả về mặt chất lượng và số lượng, nhằm bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm “bò vàng Hà Giang”. Bước đi nhanh và bền vững nhất là ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp trong phát triển đàn bò địa phương, xây dựng phác đồ gây động dục và thụ tinh nhân tạo chủ động mà không cần theo dõi phát hiện động dục trên nền đàn bò địa phương ở Hà Giang nhằm giải quyết cản trở về khoảng cách và thời gian cho các bác sỹ thú y, kỹ thuật viên trong công tác theo dõi, phát hiện động dục và nâng cao tỷ lệ thụ tinh, đảm bảo được hiệu quả sinh sản và nâng cao chất lượng đàn bò bản địa, kết hợp với lai tạo giống bò nền địa phương để cải thiện phẩm chất, tăng sản lượng thịt, góp phần mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương,… Vì vậy, viện Nghiên cứu bảo tồn Đa dạng sinh học và Bệnh nhiệt đới thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang”.

Sau khi đề tài được quyết định phê duyệt thực hiện, ban chủ nhiệm đề tài đã thông qua khảo sát trực tiếp để bước đầu đánh giá được tình hình chăn nuôi cũng như nhu cầu phát triển đàn bò tại vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Bên cạnh đó, gây động dục, phối giống chủ động và xác định thời gian rụng trứng được triển khai thực hiện. Ngoài ra, đề tài kết hợp đào tạo tập huấn nhằm chuyển giao các công nghệ sinh sản cho bác sỹ thú y, kỹ thuật viên, đồng thời tiếp cận và phổ biến kiến thức chăn nuôi bò cho người dân.

Đề tài đã hoàn thành điều tra khảo sát 1283 con bò tại 04 huyện vùng Cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh. Tổng cộng có 793 con bò đã được khám và điều trị bệnh sinh sản. Qua đó, phân tích được tình hình sinh sản và sự ảnh hưởng của các yếu tố gồm độ tuổi, khoảng cách lứa đẻ, khối lượng cơ thể, điểm thể trạng, chuồng nuôi và dinh dưỡng đến tỷ lệ mắc các bệnh sinh sản trên đàn bò khảo sát.

Tiến hành lấy mẫu máu trên 74 bò thí nghiệm, trong đó 23 bò tơ, 51 bò sinh sản, 1 bò không có thông tin về lứa đẻ. Các bò được tiến hành lấy mẫu máu và tiến hành đánh giá định lượng progesterone huyết thanh trong quá trình gây động dục, sau đó phân tích thành các dạng biến thiên sự thay đổi hàm lượng progesterone theo thời gian. Các mức hàm lượng progesterone được đánh giá theo mức thấp <2ng/ml; mức trung bình 2 - 4ng/ml; mức cao >4ng/ml. Qua định lượng có 4 dạng cơ bản: Khi bắt đầu động dục đặt vòng tẩm progesterone vào giai đoạn đầu chu kỳ, dạng 2 là bắt đầu đặt vòng tẩm progesterone ở giữa chu kỳ; dạng 3, bắt đầu ở cuối chu kỳ, cuối cùng dạng 4, trên bò mắc buồng trứng không hoạt động. Cả 4 dạng đều cho thấy, ngày thứ 7 trước khi rút vòng thì hàm lượng progesterone cao vì khi đó nguồn progesterone ngoại sinh tiết ra từ vòng tẩm progesterone; sau khi rút vòng hàm lượng giảm xuống vào ngày thứ 10, đồng thời tiêm GnRH có tác dụng làm trứng chín và rụng. Khi kiểm tra nồng độ ngày thứ 10 ở phần lớn các bò đều giảm thấp, gây động dục và rụng trứng. Như vậy, hàm lượng progesterone tại 72 – 84 giờ sau khi rút vòng tẩm giảm xuống, điều này trùng khớp với thời gian rụng trứng sau khi gây động dục bằng công thức trên các con bò. Như vậy, từ kết quả định lượng hàm lượng progesterone trên bò thí nghiệm thì thời gian áp dụng thụ tinh nhân tạo cố định vào khoảng 72 – 84 giờ sau khi rút vòng tẩm (10 ngày từ khi bắt đầu công thức gây động dục) có thể áp dụng thụ tinh nhân tạo cố định thời gian cho bò và không cần quan sát biểu hiện động dục.

Bên cạnh đó, thí nghiệm cũng cho thấy, bò có chửa ở dạng 3 và dạng 4 bò có chửa cao hơn ở dạng 1 và dạng 2. Như vậy, bắt đầu gây động dục đặt vòng tẩm progesterone có hàm lượng thấp tỷ lệ có chửa sẽ cao hơn so với các con bò có hàm lượng progesterone ở mức cao. Áp dụng phương pháp gây động dục này chủ động trên tất cả những bò cái sau đẻ, bò hậu bị đến tuổi sinh sản sẽ giúp chủ động thụ tinh nhân tạo cố định thời gian trên bò mà không cần theo dõi bò động dục, giúp nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo, góp phần rút ngắn khoảng cách các lứa đẻ trên đàn bò. Bên cạnh đó, phương pháp gây động dục trong nghiên cứu này khi áp dụng hiệu quả trên những trường hợp bò mắc buồng trứng không hoạt động hoặc các rối loạn sinh sản khác cũng cho thấy mang lại hiệu quả tốt.

Qua đó, đề tài đã hoàn thành nhiệm vụ gây động dục chủ động 793 bò, trong đó 725 bò gây động dục thành công được phối giống chủ động (sau 4 lần phối), tổng cộng đã áp dụng 941 lượt phối giống (trong đó tổng số lượt thụ tinh nhân tạo là 830 lượt, 111 lượt bò nhảy giống trực tiếp), tỷ lệ bò phối giống sau gây động dục chủ động đạt 91,42%. Tỷ lệ bò có chửa sau khi gây động dục và phối giống chủ động là 77,66%, số bê đã sinh ra trên đàn bò trong đề tài là 514 bê. Khoảng cách lứa đẻ sau khi áp dụng phương pháp gây động dục trên các bò sau đẻ rút ngắn xuống còn 12,84 (tháng). Bê sinh ra trong đề tài có khối lượng sơ sinh, 3 tháng tuổi và khối lượng 6 tháng tuổi lớn hơn so với bê sinh ra ngoài đề tài. Như vậy, có thể nói bước đầu ứng dụng công thức điều trị bệnh sinh sản, gây động dục và phối giống chủ động trên đàn bò H’mông tỉnh Hà Giang. Đây là nền tảng và tài liệu tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu khác tiếp theo về lĩnh vực sinh sản cũng như phát triển chăn nuôi đàn bò thịt H’mông tại Hà Giang. Đặc biệt là cơ sở để xây dựng các dự án phát triển bò H’mông tại Cao nguyên đá Hà Giang.

Ngoài ra, đề tài kết hợp đào tạo tập huấn nhằm chuyển giao các công nghệ sinh sản cho bác sỹ thú y, kỹ thuật viên, đồng thời tiếp cận và phổ biến kiến thức chăn nuôi bò cho người dân. Đề tài đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y các huyện, UBND các huyện, trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng tổ chức thành công 03 lớp tập huấn bao gồm: Đào tạo tập huấn về khám và điều trị bệnh sinh sản trên đàn bò vùng Cao nguyên đá, đào tạo tập huấn về gây động dục và rụng trứng chủ động trên đàn bò vùng Cao nguyên đá, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo chủ động thời gian và khám thai, và 02 hội thảo (hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ trong quản lý đàn bò vùng Cao nguyên đá; hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ gây động dục và phối giống chủ động trên đàn bò). Sau khi đề tài kết thúc, các công nghệ vẫn được duy trì ứng dụng để thúc đẩy hiệu quả lâu dài.

Như vậy, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động là một giải pháp quan trọng để cải tạo và nhân nhanh đàn bò trong vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Việc áp dụng công nghệ này sẽ cải thiện chất lượng và năng suất đàn bò, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người chăn nuôi bò H’mông tại khu vực Cao nguyên đá thuộc 04 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh tỉnh Hà Giang. Thông qua việc điều trị bệnh sinh sản, gây động dục chủ động góp phần nâng cao tỷ lệ bò thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ phối giống có chửa và góp phần rút ngắn khoảng cách lứa đẻ, giúp đẩy mạnh tốc độ tăng nhanh đàn bò địa phương… Qua đó, góp phần vào mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt bò Hà Giang gắn liền với du lịch, đây là thị trường lớn cho đầu ra tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng thu nhập và khả năng tích lũy người nông dân. Bên cạnh đó, đề tài còn góp phần nâng cao hiểu biết người chăn nuôi tại địa phương, việc đào tạo và chuyển giao đội ngũ cán bộ kỹ thuật được nâng cao, tay nghề trong khám, điều trị và gây động dục chủ động, thụ tinh nhân tạo chủ động trên đàn bò góp phần nâng cao năng lực khám, điều trị và gây động dục chủ động, thụ tinh nhân tạo chủ động trên đàn bò của đội ngũ bác sỹ thú y, kỹ thuật viên địa phương…/.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 3 2023

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 12

Hôm nay: 4029

Tháng này: 28395

Tổng lượt truy cập: 351575